Ngày 14/3, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã mở phiên phúc thẩm xem xét bản án của TAND tỉnh Kiên Giang xét xử Mai Thị Tuyết Linh (SN 1985, ngụ khóm 4, thị trấn Định An, huyện Trà Cú, Trà Vinh) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình mua bán các mặt hàng thủy sản, Mai Thị Tuyết Linh thiếu nợ bà Trần Thị Dung (SN 1966, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) số tiền khoảng 2 tỷ đồng.
Giữa năm 2012, do không còn khả năng trả nợ nên Linh bỏ trốn nhưng bà Dung vẫn tìm cách liên lạc với gia đình Linh và yêu cầu Linh trở về để bàn chuyện làm ăn.
Thông qua bà Dung, Linh biết ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Công ty Trang Ngọc Phát, trụ sở tại thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang còn tồn hơn 100 tấn ruốc khô đang gửi trong kho lạnh ở TP HCM. Theo hướng dẫn của bà Dung, Linh sử dụng điện thoại di động liên lạc với ông Sinh, tự xưng tên Trang, là giám đốc một công ty ở Nha Trang (Khánh Hòa) cần mua ruốc khô số lượng lớn.
Qua thỏa thuận, ông Sinh đồng ý bán giá ban đầu là 58.000 đồng/kg, sau đó giảm xuống 50.000 đồng/kg, với phương thức cho Linh được nhận hàng trước và chuyển tiền trả sau vào tài khoản ngân hàng của ông Sinh.
Việc mua bán chỉ thực hiện qua điện thoại, không có hợp đồng và hai bên cũng không gặp mặt trực tiếp. Khi mua hàng, Linh dùng tên Trang, sử dụng số điện thoại 0938872359 để giao dịch, mua bán với ông Sinh, còn khi nhận hàng và chuyển tiền cho ông Sinh thì dùng tên Linh, sử dụng số điện thoại 0986037177 để liên lạc với ông Sinh.
Sau hai chuyến hàng đầu, Linh chuyển tiền thanh toán đúng hạn để tạo lòng tin với ông Sinh. Đến đầu năm 2013, Linh đặt mua hơn 88 tấn ruốc khô với giá 4,42 tỷ đồng rồi tìm cách kéo dài thời gian không thanh toán tiền mua hàng, bỏ luôn sim điện thoại di động đã sử dụng giao dịch mua bán với ông Sinh và cắt đứt liên lạc.
Nghi ngờ, ông Sinh bỏ công đi thành phố Nha Trang tìm hiểu mới phát hiện công ty của Linh là công ty “ma” và gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Linh đến cơ quan điều tra.
Trong quá trình điều tra, Linh khai chính bà Dung là người chủ mưu, lên kế hoạch và hướng dẫn Linh thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của ông Sinh. Mỗi khi thỏa thuận mua hàng xong, Linh thuê xe tải đến kho nhận ruốc khô chở đi bán với giá thấp hơn giá mua, lấy tiền chi xài và trả nợ.
Số tiền hơn 4 tỷ đồng thu được từ việc bán hơn 88 tấn ruốc khô, Linh sử dụng vào việc trả nợ 1 tỷ đồng cho bà Dung, mua 2 điện thoại di động iPhone 5 với giá 36 triệu đồng cho bà Dung, trả tiền thuê xe tải, thuê kho lạnh, tiền bốc xếp và chi xài cá nhân.
Còn người bị hại Nguyễn Văn Sinh cho biết, ông quan hệ giao dịch làm ăn với bà Dung trong thời gian khoảng 8 năm nay.
Tháng 8/2012, nghe bà Dung gợi ý về việc kinh doanh ruốc khô có lãi nhiều, ông có nhờ bà Dung tìm mua hơn 180 tấn để bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, việc kinh doanh không thuận lợi nên ông còn tồn kho hơn 100 tấn ruốc khô tại TP HCM.
Sau đó, chính bà Dung là người giới thiệu Linh đến giao dịch mua hàng và nhiều lần bà Dung hối thúc ông Sinh bán ruốc khô cho Linh “để không bị lỗ”. Nếu không có sự tiếp tay của bà Dung thì Linh không thể biết ông có hơn 100 tấn ruốc khô bị tồn kho tại TP HCM được.
Sau khi bị TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và buộc hoàn trả cho ông Sinh toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt, bị cáo Linh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, còn người bị hại kháng cáo với nội dung đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì bỏ lọt tội phạm.
Ngày 14/3/2016, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên xử phúc thẩm xem xét lại bản án này. Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại đề nghị hủy án sơ thẩm với lý do: TAND tỉnh Kiên Giang xét xử sai thẩm quyền về lãnh thổ, còn bỏ lọt tội phạm, nhiều chứng cứ quan trọng không được đưa vào hồ sơ vụ án.
Qua nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang để điều tra lại.