12 dự án yếu kém ngành Công Thương: Các tồn tại, yếu kém đã được xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Việc xử lý các tồn tại của 12 dự án kém hiệu quả ngành Công Thương luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng và được Chính phủ tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, với hàng loạt khó khăn đang gặp phải, đến nay hầu hết các dự án vẫn trong tình trạng khó khăn về tài chính và hoạt động thua lỗ, chậm phục hồi.
Nhà máy đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án yếu kém.
Nhà máy đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án yếu kém.

3 điểm mấu chốt

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV), quá trình thực hiện việc xử lý 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương, Chính phủ luôn xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng nên tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục; định kỳ và đột xuất làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp (DN) để đánh giá tình hình, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn phát sinh, đôn đốc tiến độ thực hiện.

Với các sai phạm của các tổ chức, cá nhân cũng đã được Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm toán, điều tra, xét xử nghiêm túc, khẩn trương, làm rõ sai phạm, vi phạm pháp luật với tổ chức, cá nhân có liên quan ở từng dự án, DN. Toàn bộ 12/12 dự án, DN đã được thanh tra, 7/12 dự án, DN được kiểm toán, 4/12 dự án, DN được điều tra.

Có 3 tồn tại, yếu kém mấu chốt của các dự án, DN mà Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị vào năm 2016 gồm: tranh chấp Hợp đồng EPC, chưa quyết toán được dự án; khó khăn về tài chính; khó khăn về thị trường.

Đến nay, trong số 7 dự án, DN có tranh chấp Hợp đồng EPC, đã hoàn thành xử lý tranh chấp với 3 dự án, DN (thông qua thương lượng 2 dự án, thông qua phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế 1 dự án). Với 4 dự án chưa hoàn thành, BCĐ yêu cầu các dự án, DN tiếp tục chủ động đàm phán với các nhà thầu để xử lý dứt điểm các tranh chấp theo thẩm quyền.

Về việc tháo gỡ khó khăn tài chính, tín dụng cho các dự án, trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ 6 dự án với tổng dư nợ 14.710 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay 5 dự án với số nợ vay 8.378 tỷ đồng; tiếp tục cho vay vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là 4 dự án sản xuất phân bón và 2 dự án sản xuất thép.

Bộ Tài chính đã hướng dẫn giãn mức trích khấu hao cơ bản tài sản cố định ở mức 40-50% trong giai đoạn 2016-2019 với 5 DN. Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón để đảm bảo bình đẳng giữa sản xuất phân bón trong nước và nhập khẩu; tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước, trong đó có 3 DN thuộc 12 dự án yếu kém.

Với việc tháo gỡ về thị trường, các bộ đã ban hành, hướng dẫn thực hiện một số cơ chế, chính sách về thị trường tiêu thụ sản phẩm phân bón, thép, xăng E5 góp phần hỗ trợ các DN tăng sản lượng tiêu thụ hàng hóa.

Tuy nhiên, kết quả cho thấy, ngoại trừ DN sản xuất phân bón, các DN sản xuất thép và xăng E5 chưa phát huy được tác động của chính sách do DN sản xuất thép chưa hoàn thành đầu tư, giá thành sản xuất xăng E5 cao hơn xăng nhập khẩu.

Chưa hoàn thành mục tiêu đặt ra

Theo UBQLV, kết quả xử lý sau hơn 4 năm thực hiện Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương; hiện mới có 1 DN đã sản xuất, kinh doanh có lãi; 5 DN còn lỗ lũy kế, yếu kém về tài chính nhưng vẫn cố gắng duy trì vận hành sản xuất, tiêu thụ được sản phẩm, duy trì việc làm cho người lao động và trả được nợ cho các ngân hàng khoảng 16.000 tỷ đồng trên tổng số nợ vay ban đầu khoảng 47.451 tỷ đồng (tính đến 30/4/2021). Có 3/7 dự án đã xử lý xong tranh chấp Hợp đồng EPC.

Theo đánh giá của UBQLV, đến nay việc xử lý vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Các dự án, DN chưa được xử lý dứt điểm, chưa có chuyển biến rõ rệt. Hầu hết các dự án, DN vẫn trong tình trạng khó khăn về tài chính và hoạt động thua lỗ, chậm phục hồi.

Tính đến 31/12/2020, so với thời điểm 31/12/2016, về tổng thể tình hình 12 dự án, DN vẫn còn rất khó khăn, yếu kém khi tổng tài sản giảm 7.715 tỷ, còn 57.328 tỷ đồng; tổng nợ phải trả tăng 2.878 tỷ đồng, lên 65.214 tỷ đồng; tổng lỗ lũy kế tăng 12.558 tỷ đồng, lên 28.987 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu giảm 13.598 tỷ đồng, xuống mức âm 9.852 tỷ đồng.

Trong đó, số lượng DN mất vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2016 có 3 DN. Đến ngày 31/12/2019, (thời điểm UBQLV tiếp nhận vai trò thường trực BCĐ từ Bộ Công Thương) có 6 DN. Thời điểm 31/12/2020 có 7 DN (thêm dự án Nhà máy sản xuất NLSH Dung Quất âm vốn chủ sở hữu do DN trích khấu hao tài sản cố định).

Hiện còn 4 dự án, DN chưa xử lý được dứt điểm tranh chấp Hợp đồng EPC và quyết toán dự án. Trong đó có quan điểm khác nhau giữa chủ đầu tư và nhà thầu về: Xác định giá thiết bị có thay đổi về thông số kỹ thuật, xuất xứ, số lượng; thiết bị được cung cấp khác với hợp đồng; thiết kế xây dựng có thay đổi trong quá trình thực hiện; chưa thống nhất tính thuế nhà thầu bổ sung với chênh lệch giá trị nhập khẩu thực tế so với hợp đồng... Do vậy, một số nhà thầu không đạt yêu cầu mà chưa thống nhất được tiến độ bàn giao hồ sơ hoàn công và hồ sơ gốc CO, CQ.

“Tính đến nay cũng chưa thực hiện được tái cơ cấu các dự án, DN theo hướng ưu tiên bán, thoái vốn; phương án phá sản, giải thể với những DN không có khả năng khắc phục. Việc thu hồi vốn đầu tư tại các DN vẫn đang trong quá trình thực hiện, mới đạt được kết quả bước đầu”, đánh giá của UBQLV.

Đọc thêm