12 vấn đề Hiệu trưởng trường công lập phải công bố công khai từ tháng 7 này

(PLVN) - Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc được quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT ban hành nhằm mục đích hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập, bao gồm: Dân chủ trong cơ sở giáo dục; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị. Hiệu trưởng hoặc giám đốc các cơ sở giáo dục công lập là một trong những đối tượng bị điều chỉnh bởi các quy định trong Thông tư này.

Theo đó, Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT quy định 12 việc hiệu trưởng phải công khai để nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động biết: Thứ nhất, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động của cơ sở giáo dục; Thứ hai, các nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục; Thứ ba, kế hoạch năm học, học kỳ, tháng, tuần; kế hoạch, đề án, dự án, chiến lược định hướng phát triển của cơ sở giáo dục; Thứ tư, kinh phí hoạt động hằng năm, bao gồm các nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn tài chính khác; quyết toán kinh phí hằng năm; tài sản, trang thiết bị; kết quả kiểm toán của cơ sở giáo dục;

Vấn đề thứ năm, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng; quyết định bổ nhiệm, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí việc làm, đi công tác nước ngoài, giải quyết chế độ, nâng bậc lương, thăng hạng, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động; việc đánh giá, xếp loại, hợp đồng làm việc, chấm dứt hợp đồng làm việc; Thứ sáu, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong cơ sở giáo dục đã được kết luận; bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật;

Vấn đề thứ bảy, kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong cơ sở giáo dục; Thứ tám, kết quả tiếp thu ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của hiệu trưởng đưa ra lấy ý kiến nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động quy định tại Điều 11 Thông tư này; Thứ chín, văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến công việc của cơ sở giáo dục.

Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT cũng quy định những việc phải công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát, đánh giá cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

Thứ mười, những việc được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định tại Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; vấn đề nữa là tất cả các quy định của cơ sở giáo dục liên quan đến việc học tập của người học theo quy định của pháp luật. Vấn đề thứ 12 là kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. 

Theo đó, Bộ GD&ĐT quy định hình thức, thời điểm và thời gian công khai như sau: Căn cứ đặc điểm, tính chất hoạt động và nội dung phải công khai, các cơ sở giáo dục áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây: Niêm yết tại cơ sở giáo dục; thông báo tại hội nghị nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động của cơ sở giáo dục; thông báo tại đối thoại của cơ sở giáo dục; 

Thông báo bằng văn bản gửi toàn thể nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động; thông báo cho trưởng các đơn vị trực thuộc và thuộc cơ sở giáo dục và yêu cầu đơn vị thông báo đến nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động làm việc trong các đơn vị đó; thông báo bằng văn bản đến cấp ủy, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở giáo dục; đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục; các quy định liên quan đến việc học tập của người học phải được cơ sở giáo dục công khai theo các hình thức phù hợp với nội dung, phương thức, đối tượng, quy mô giáo dục, đào tạo.

Liên quan tới thời điểm và thời gian công khai, Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT quy định: Đối với các những việc phải công khai cho nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động được biết: chậm nhất 3 ngày làm việc. Trường hợp đặc biệt không quá 5 ngày kể từ ngày văn bản có nội dung về các việc phải công khai được ban hành hoặc kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan, đơn vị cấp trên, trừ những tài liệu mật theo quy định của pháp luật và trường hợp sử dụng hình thức thông báo tại hội nghị nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động;

Đối với văn bản niêm yết tại trụ sở của cơ sở giáo dục thì phải thực hiện niêm yết ít nhất 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết; các quy định liên quan đến việc học tập của người học phải được cơ sở giáo dục công khai vào tháng 6 hằng năm, đảm bảo đầy đủ, chính xác và kịp thời trước khi khai giảng năm học mới hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và thay thế Quyết định số 04/2000/QĐ-BGDĐT ngày 1/3/2000 của Bộ trường Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường.

Đọc thêm