Qua khảo sát người dân và cán bộ, công chức trực tiếp tại 5 tỉnh, TP (Bắc Giang, Hà Nội, Ninh Bình, Khánh Hòa và Đồng Nai), qua phiếu tại 16 Bộ, cơ quan ngang Bộ, thanh tra 58 tỉnh, TP và một số Sở, báo cáo chỉ ra, 12,1% người dân được hỏi cho rằng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đang không hiệu quả, trong đó có đến 38,5% cho rằng chỉ hiệu quả phần nào và 36,6% cho rằng có hiệu quả, hơn 10% cho rằng hiệu quả không rõ.
Đối với việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, vẫn còn 15,8% người dân cho rằng không hiệu quả và 16,6% đánh giá việc thực hiện qui định về kê khai tài sản, thu nhập, tặng nhận quà và nộp lại quà không hiệu quả.
37,7% người dân đồng ý về mức độ dễ dàng trong việc tiếp cận được thủ tục và hoàn thiện nhanh chóng các giấy tờ cần thiết cho giải quyết công việc tại cơ quan nhà nước.
Việc thu hồi tài sản luôn là khâu yếu nhất trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Có đến 24,5% người dân và 17,1% cán bộ, công chức đánh giá thu hồi tài sản không hiệu quả.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng năm 2013 là 11%; năm 2014 là 22% do nguyên nhân chính là những sơ hở của các qui định pháp luật, cơ sở pháp lý còn hạn chế… Nên số lượng lớn tiền và tài sản công bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng cũng như sự giàu có, sa đọa của những kẻ tham nhũng đang là nỗi bức xúc lớn với xã hội.
Để tăng cường hiệu quả biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị hoàn thiện pháp luật theo hướng bổ sung các qui định cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề thu hồi tài sản trong sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng như có các phương pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội, các tài sản có giá trị đều phải được giải thích rõ nguồn gốc. Đồng thời, sửa đổi bộ luật Hình sự theo hướng chú trọng hơn nữa vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng…