Đang “bỏ lọt” nhiều hình thức tham nhũng
Tại hội thảo trên cũng cho rằng, những hạn chế trong việc đưa ra định nghĩa về người có chức vụ, quyền hạn; trong việc quy định dấu hiệu “của hối lộ” cũng như việc mô tả các dấu hiệu pháp lý của tội phạm chưa đáp ứng được yêu cầu về tính đặc trưng, điển hình và đầy đủ cũng làm giảm hiệu quả của việc xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng.
Nên ngay trong Tờ trình về Dự thảo BLHS (sửa đổi), Chính phủ cũng thể hiện sự cương quyết, không khoan nhượng đối với nạn tham nhũng, thể hiện qua việc không vào danh sách các tội được đề nghị bỏ án tử hình, bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ - hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng ban soạn thảo Dự án BLHS (sửa đổi), bỏ hình phạt tử hình đối với hai tội danh này “là chưa phù hợp, sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng và không được nhân dân đồng tình ủng hộ”.
Qui định “sơ sơ” là nương nhẹ
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng yêu cầu và tăng cường cho cuộc đấu tranh với tội phạm tham nhũng, Dự thảo BLHS (sửa đổi) qui định tội phạm về chức vụ bao gồm cả một số hành vi tội phạm về chức vụ xảy ra trong khu vực tư (ngoài nhà nước) như: tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ.
Đặc biệt, Dự thảo bổ sung quy định, không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với các tội phạm tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng. Trên tinh thần đó, đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng sẽ không áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS, quy định TNHS của pháp nhân đối với các tội nhận hối lộ và đưa
hối lộ.
Theo kinh nghiệm nhiều nước, khái niệm “của hối lộ” cũng ngày càng được mở rộng để bao quát hết các hình thức lợi ích hoặc lợi thế (vật chất và phi vật chất) được dùng làm đối tượng trao đổi. Dự thảo BLHS (sửa đổi) cũng đề cập đến “lợi ích phi vật chất” được dùng làm “của hối lộ”.
Ông Triệu Là Pham - Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang băn khoăn về yếu tố “lợi ích phi vật chất” vì Dự thảo “chưa có quy định cụ thể về lợi ích phi vật chất là gì? Là hối lộ tình dục, hối lộ thông tin hay hối lộ thành tích... bởi xét về hành vi thì hối lộ bằng hình thức phi vật chất nào đi chăng nữa cũng đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”.
Cùng mối quan tâm, ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Dự thảo mới quy định về “lợi ích phi vật chất” ở tội nhận hối lộ, trong khi chưa đề cập đến yếu tố này trong các tội về đưa hối lộ, môi giới hối lộ, đặc biệt chưa định lượng để có cơ sở lượng hóa trong định hình và định khung hình phạt là một “kẽ hở” cho quá trình thực thi.
Bên cạnh đó, Dự thảo BLHS chưa làm rõ hậu quả pháp lý đối với người nhận hối lộ bằng lợi ích phi vật chất để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ mà gây ra hậu quả nghiêm trọng với tài sản có giá trị lớn, hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hoặc tái phạm và tái phạm nguy hiểm là “có tính nương nhẹ”…
Như vậy, trong qui định liên quan đến hành vi hối lộ trong Dự thảo còn nhiều vấn đề cần được xem xét trước khi Dự thảo Bộ luật quan trọng này được Quốc hội thông qua để đạt được một trong các mục tiêu là phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Các quốc gia đã ngày càng mở rộng khái niệm tội phạm tham nhũng để bao quát hết các hình thức tham nhũng. Các hình thức tham nhũng trong khu vực tư được hình sự hóa bên cạnh tham nhũng trong khu vực công, hối lộ công chức nước ngoài được quy định bổ sung bên cạnh hối lộ công chức quốc gia, tội danh làm giàu bất chính cũng được quy định bổ sung làm cơ sở xử lý hành vi có sự gia tăng tài sản một cách đáng kể của một công chức không tương xứng với thu nhập hợp pháp của người đó, cũng như cơ sở để thu hồi tài sản có được một cách bất minh.