Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế) và các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến 31/9/2017, có 122,6 triệu hồ sơ được gửi đề nghị thanh toán BHYT với số tiền hơn 63,593 tỷ đồng, tăng 7,579 tỷ đồng (so với 31/8/2017).
Cả nước có 21 tỉnh có chi phí khám, chữa bệnh BHYT 9 tháng vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT cả năm 2017 trên 100 tỉ đồng; có 06 tỉnh có số chi khám chữa bệnh BHYT bội chi cao: Nghệ An 919 tỷ đồng; Thanh Hóa 780 tỷ đồng; Quảng Nam 579 tỷ đồng; Quảng Ninh 359 tỷ đồng; Hà Tĩnh 281 tỷ đồng và Hải Dương 247 tỷ đồng.
BHXH các tỉnh, thành phố đã thực hiện giám định, duyệt áp dụng 11,4 triệu bản ghi về danh mục thuốc, DVKT và VTYT. BHXH các tỉnh, thành phố đã từ chối 358.668 danh mục dịch vụ, tỷ lệ 2,74% số đề nghị của cơ sở KCB. Ngoài ra, toàn quốc có 12.135 cơ sở khám chữa bệnh BHYT liên thông dữ liệu lên Hệ thống thông tin giám định BHYT, tỷ lệ bình quân đạt 96,3%.
Trong 9 tháng năm 2017, chi phí cho khám chữa bệnh BHYT cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên là 2.067,5 tỷ đồng, với 6,322.851 lượt khám chữa bệnh.
Hội nghị cũng chỉ ra những nguyên nhân làm gia tăng bất hợp lý chi phí khám chữa bệnh BHYT, đó là: Giá dịch vụ y tế chưa hợp lý; không thực hiện đúng định mức theo quy định; thống kê thanh toán DVKT còn nhiều bất cập; tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm; tăng số lượng khám chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú bất hợp lý; mua sắm, sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý; trục lợi BHYT.