13 sản phẩm Coca Cola bị tạm dừng lưu thông: Cục ATTP nói gì?

(PLO) - Sau quá trình thanh tra, Bộ Y tế đã yêu cầu 6 tỉnh, thành phố giám sát việc tạm dừng lưu thông 13 loại nước uống bổ sung của công ty Coca Cola Việt Nam.
13 sản phẩm Coca Cola bị tạm dừng lưu thông: Cục ATTP nói gì?

Ngày 1/7, ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết đã gửi công văn cho Sở Y tế 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa và Nghệ An (nơi có trụ sở của công ty Coca Cola) yêu cầu các địa phương giám sát tạm dừng lưu thông 13 sản phẩm nước uống bổ sung của công ty này.

Theo ông Chính, lý do 13 sản phẩm bị dừng lưu thông do chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho việc sản xuất thực phẩm bổ sung.

13 sản phẩm gồm: Nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost loại hương cam, hương dâu, hương xoài; nước tăng lực nhãn hiệu Samurai hương dâu (dạng chai thủy tinh, chai PET); nước tăng lực nhãn hiệu Samurai (dạng chai thủy tinh, chai PET); nước cam có tép Minute Maid TEPPY và loại chai thủy tinh; nước uống vận động Aquarius (chai PET, lon nhôm); nước uống bổ sung khoáng Dasani; nước cam Minute Maid Splash Smooth.

Trước đó, vào trung tuần tháng 6, đoàn thanh tra của Bộ Y tế bắt đầu thanh tra công ty Coca Cola Việt Nam trong vòng 45 ngày với các nội dung kiểm tra: Xác minh trực tiếp tại một số cơ sở phân phối các sản phẩm thực phẩm của công ty này; cơ sở cung cấp nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì chứa đựng thực phẩm.

Liên quan đến sự việc này, trao đổi trên tờ Infonet, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết trong trường hợp này Thanh tra Bộ Y tế hơi cứng nhắc. Bình thường công ty sản xuất nước uống đã có giấy chứng nhận, mấy sản phẩm đồ uống đã được bán ra thị trường nhưng họ bổ sung thêm vitamin vì thế họ phải nộp hồ sơ xin cấp phép của cơ quan chức năng và đang trong giai đoạn chờ cấp.

Các sản phẩm của Coca Cola đã được công bố trên thị trường đều an toàn. Ông Phong cho biết trong vụ việc này chủ yếu là do thủ tục hành chính. Họ đã nộp thủ tục xin bổ sung thêm vitamine vào sản phẩm nhưng do thủ tục hành chính chưa xong nên còn thiếu giấy phép bổ sung vitamin vào sản phẩm. Vì thế ngay trong ngày hôm qua, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã “ưu tiên” thủ tục hành chính ký giấy chứng nhận cho Cocacola để họ tiếp tục bán hàng vì nó không phải là vấn đề về chất lượng.

Sản phẩm này, theo ông Phong là đã được công bố, giờ họ chỉ thêm thành phần thôi nên không có vấn đề gì. Trước băn khoăn chưa đủ giấy chứng nhận mà đã tung ra thị trường có phải đã sai phạm, ông Phong cho rằng đây chỉ là sơ suất về mặt hành chính chứ không có vấn đề gì liên quan đến chất lượng.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Khoa Mỹ, giám đốc đối ngoại và truyền thông, Coca-Cola Việt Nam khẳng định các nhà máy của Coca-Cola đã được chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất các sản phẩm nước giải khát có ga, không có ga và nước đóng chai.

Tuy nhiên, ông Mỹ công nhận một vài tháng trước đây, qua thanh tra nội bộ, Cocacola VN nhận thấy đã có thêm một yêu cầu về điều kiện sản xuất các sản phẩm nước giải khát có bổ sung vi chất (hay còn được gọi là thực phẩm bổ sung).

“Coca-Cola Việt Nam thừa nhận chưa cập nhật đầy đủ về những thay đổi trong qui định” - ông Mỹ nói, nhưng nêu công ty này đã nhanh chóng khắc phục bằng việc hoàn tất hồ sơ để đăng ký đủ điều kiện sản xuất các sản phẩm Aquarius, Dasani có bổ sung khoáng chất, Samurai, Nutriboost và Teppy vào tháng trước.

Ông Khoa Mỹ nêu tới thời điểm hiện tại, Cocacola VN đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thực phẩm bổ sung cho nhà máy ở TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng do Bộ Y Tế cấp, vì vậy, ông cho rằng các sản phẩm của Cocacola là an toàn và hiện đã đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Việt Nam./.

Đọc thêm