Kỷ luật 14 cá nhân vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo
Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại phiên họp, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, về tiếp công dân, trong năm 2018, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp trên 411.900 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 12% so với năm 2017), với trên 278.700 vụ việc, có gần 4.6460 lượt đoàn đông người, tương đương năm 2017.
Về tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận trên 322.000 đơn thư các loại. So với năm 2017, số đơn thư các loại tiếp nhận tăng 19,9%.
Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 27.580 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỉ lệ 83,7%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 213,2 tỉ đồng; 97,2 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.800 tập thể, cá nhân; xử lý vi phạm 462 người (đã xử lý 372 người), chuyển cơ quan điều tra 9 vụ.
Báo cáo cũng cho biết, Thanh Tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành trên 1.300 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2.200 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện 533 đơn vị có vi phạm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 470 tổ chức và cá nhân, xử lý kỷ luật 14 cá nhân.
Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2017 đến nay nhìn chung còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.
Đáng chú ý là một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.
Về nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay, Chính phủ thừa nhận công tác quản lý nhà nước và việc thực thi pháp luật của một số cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước có thiếu sót, vi phạm. Trong lĩnh vực đất đai, công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất ở một số nơi không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Một số quy định của pháp luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn cần sớm nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng vẫn còn những hạn chế nhất định, có những trường hợp người dân bị lợi dụng dân chủ hoặc bị phần tử xấu kích động, xúi giục khiếu nại, tố cáo gây phức tạp về an ninh trật tự.
Tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu
Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật thống nhất cho rằng, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đã có sự chuyển biến tốt hơn so với các năm trước.
Tuy nhiên, theo Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa phân tách được số liệu những vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan theo ngành dọc ở địa phương (như Bảo hiểm xã hội, thuế, hải quan, thi hành án dân sự...); chưa phân tích cụ thể việc xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài; chưa có đánh giá xu hướng phát triển của các vụ việc khiếu kiện tập trung đông người ẩn chứa yếu tố phức tạp, nhạy cảm hoặc có sự kích động, lôi kéo của các thế lực thù địch, gây mất an ninh, trật tự xã hội tại một số địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra. |
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, thời gian qua đã phát sinh một số khiếu nại phức tạp trong các lĩnh vực kinh tế, dân sự mà không phải là khiếu nại các cơ quan hành chính nhà nước, như khiếu nại mức thu phí tại các Trạm BOT đường bộ; khiếu nại việc không bàn giao nhà, không làm thủ tục cấp sổ đỏ của chủ đầu tư nhà chung cư hoặc chậm tiến độ thi công so với hợp đồng đã ký kết, chậm giải ngân hoặc ngừng giải ngân nguồn vốn đã được ngân hàng ký cam kết…
“Đây cũng là những vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện đông người, đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải quan tâm, có hướng giải quyết, xử lý hài hòa quyền lợi của người dân, của nhà đầu tư và của Nhà nước để bảo đảm ổn định xã hội”, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Về nguyên nhân của tình hình khiếu nại, tố cáo, Ủy ban pháp luật tán thành với 4 nhóm nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo như đã được chỉ ra trong Báo cáo của Chính phủ.
Song, Ủy ban Pháp luật cho rằng đây chủ yếu vẫn là những nguyên nhân như đã được chỉ ra trong báo cáo các năm trước; chưa có sự phân tích, làm rõ sự khác biệt của năm 2018 so với năm 2017. Do vậy, Ủy ban này đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước trong năm 2018 tăng lên (tăng 4,7% so với năm 2017), ngược lại với 2 năm gần đây (năm 2016 giảm 8,6% , năm 2017 giảm 14,8% ) để từ đó có giải pháp phù hợp; đồng thời, đề nghị chỉ rõ các quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tế, là nguyên nhân dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo thời gian qua để có hướng sửa đổi, bổ sung.
Về công tác tiếp công dân, Ủy ban Pháp luật chỉ ra rằng, thực tế cho thấy, ở những nơi nào người đứng đầu quan tâm, thường xuyên thực hiện tốt công tác tiếp công dân định kỳ, gắn kết công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kịp thời tổ chức đối thoại với người dân thì ở đó tình hình khiếu nại, tố cáo cơ bản được giải quyết tốt.
Song, vừa qua, tại một số Bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ, chưa gắn kết việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, dẫn đến người dân có tâm lý thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết, tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài.
“Đây là vấn đề cần sớm được khắc phục, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Tiếp công dân và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo”, báo cáo thẩm tra khuyến nghị.
Cơ bản nhất trí với các nhóm giải pháp được nêu trong Báo cáo của Chính phủ nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019; Ủy ban Pháp luật cũng kiến nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Tố cáo năm 2018, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật (từ ngày 01/01/2019); đồng thời, triển khai có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân chấp hành tốt, nhất là các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Chính phủ, Thanh tra Chính phủ tăng cường kiểm tra, thanh tra, nhất là thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu; kịp thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức có sai phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường đối thoại, chú trọng hướng dẫn, tuyên truyền, phố biến chính sách, pháp luật cho người dân nhằm giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài. Tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm trực tiếp làm công tác quản lý trong các lĩnh vực có nhiều khiếu nại, tố cáo…