Trước đó, vào ngày 4/9/2015, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa sơ thẩm vụ án và tuyên phạt Phan Tấn Nghĩa 18 năm tù về hai tội danh nêu trên (14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 4 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”). HĐXX cũng đã tuyên: Phan Tấn Nghĩa phải bồi thường số tiền 750 triệu đồng cho phía ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) chi nhánh tại Quảng Trị.
Cho rằng bản án mà tòa tuyên quá nặng so với tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” nên Nghĩa đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ khung hình phạt.
Theo hồ sơ vụ án, Phan Tấn Nghĩa là nhân viên của Công ty Cổ phần Đầu tư hợp tác kinh tế Việt – Lào, có trụ sở tại Nghệ An. Do đánh bạc bị thua lỗ nặng tới mức nợ đến hơn 700 triệu nhưng không có khả năng trả, lại sợ việc sẽ bị các chủ nợ “xử” theo luật giang hồ nên Nghĩa đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác để chi trả.
Tháng 9/2014, trong một lần giao dịch, Nghĩa tình cờ nhìn thấy bảng đối chiếu công nợ của một công ty có trụ sở ở Tiền Giang và có thông tin giao dịch tại ngân hàng BIDV Tiền Giang. Lợi dụng sơ hở, Nghĩa đem bảng đối chiếu công nợ đi photo và tập giả chữ ký của chủ tài khoản và kế toán trưởng.
Khi có được thông tin trên, Nghĩa lên mạng internet tìm kiếm, đặt mua một con dấu của công ty trên với giá 5 triệu đồng. Đồng thời, y dùng ảnh của bản thân dán vào một chứng minh thư mang tên Trần Anh Mỹ do bản thân nhặt được rồi làm giả 4 bộ hồ sơ rút tiền.
Đầu tháng 10/2014, Nghĩa hai lần vào Hà Tĩnh và Quảng Bình để rút tiền nhưng không thành. Đến ngày 13/10/2014, Nghĩa đi xe khách từ Nghệ An vào Quảng Trị và đến Ngân hàng BIDV Quảng Trị yêu cầu kiểm tra số dư tài khoản. Khi được nhân viên ngân hàng thông báo tài khoản chỉ còn 100 triệu đồng, Nghĩa không thực hiện rút tiền “vì không đủ trả nợ”.
Chiều cùng ngày, Nghĩa quay trở lại và được ngân hàng cho phép rút số tiền 950 triệu đồng (số tiền này Nghĩa khai trả cho hai đối tượng 830 triệu đồng). Để che mắt lực lượng chức năng, Nghĩa tiếp tục bắt xe vào Thừa Thiên Huế vứt toàn bộ giấy tờ giả mạo liên quan xuống sông nhằm mục đích tiêu hủy chứng cứ, rồi lại bắt xe trở về quê.
Tại phiên tòa lần này, Nghĩa thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, đồng thời xin được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về hòa nhập với cộng đồng, phụng dưỡng mẹ già neo đơn.
Để có mặt tại phiên tòa xét xử đứa con độc nhất, bà Phan Thị Lan ( hơn70 tuổi) vẫn không quản ngại đường sá xa xôi, lặn lội từ Nghệ An vào từ ngày hôm trước. Ngay sau khi sự việc xảy ra, bà đã chạy vạy khắp nơi vay mượn được 220 triệu đồng trả cho phía ngân hàng để mong cho con được giảm nhẹ một phần tội. “Tôi chỉ có Nghĩa là đứa con duy nhất, hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống. Bây giờ nó rơi vào tù tội thì làm sao mà tôi sống nổi đây” – bà Lan nói trong nước mắt.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX nhận định bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, gia đình có công với cách mạng, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sau khi sự việc xảy ra đã nhanh chóng khắc phục hậu quả… HĐXX cũng nhận định phiên sơ thẩm tuyên phạt bị cáo tội danh làm giả con dấu tại theo Khoản 3 là chưa đúng với hành vi thực hiện của bị cáo mà bị cáo chỉ vi phạm tại Khoản 1, Điều 267 Bộ luật Hình sự.
Từ những nhận định đó, HĐXX chấp nhận đơn kháng cáo và tuyên lại án từ 14 năm tù xuống còn 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 4 năm tù xuống còn 1 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, tổng mức hình phạt là 14 năm tù./.