Nội dung này được đề cập trong Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.
Chính phủ khẳng định công tác PCTN luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN,TC đã khẳng định “công tác PCTN, TC đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo đó, việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng có chuyển biến tích cực; kịp thời công bố, công khai, thông tin báo chí về những vụ việc dư luận xã hội quan tâm, kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, PCTN theo quy định của pháp luật.
Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 14.425 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch (tăng 39,71% so với năm 2021), phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với 111 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.
Năm 2022, có 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền là 260,7 triệu đồng. Ảnh minh họa
Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đến nay có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.
“Qua việc xác minh tài sản, thu nhập, có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định” – báo cáo cho biết.
Năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người). Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác PCTN tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách
Tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 8.975 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng 26,2% so với năm 2021); kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (tăng 299 trường hợp so với năm 2021).
Đáng chú ý, năm 2022, có 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền là 260,7 triệu đồng. Trong đó: Đà Nẵng 5 người với số tiền 131,1 triệu đồng; Trà Vinh 2 người với số tiền 4,2 triệu đồng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 5 người với số tiền 105,43 triệu đồng và Bà rịa - Vũng tàu 2 người với số tiền 20 triệu đồng.
Các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 687 vụ án, 1.439 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó: án khởi tố mới 436 vụ và 929 bị can (tăng 105 vụ, 177 bị can so với kỳ báo cáo năm trước).
Về thu hồi tài sản tham nhũng, tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với hơn gần 90 nghìn tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là gần 43.600 tỷ đồng; đã thi hành xong gần 16 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo; các bộ, ngành, địa phương chú trọng tăng cường quản lý nhà nước về PCTN khu vực ngoài Nhà nước. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 25 đoàn thanh, kiểm tra định kỳ và 40 đoàn kiểm tra đột xuất về hoạt động chào bán, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ, chào mua công khai, việc thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng, tổ chức niêm yết..., việc tuân thủ quy định pháp luật chứng khoán đối với các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần chứng khoán BOS và các công ty có liên quan; khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan.