15 doanh nghiệp tham gia lễ ký kết đợt này có nhiều tên tuổi đáng chú ý như: Tập đoàn TH, Công ty CP Cung ứng Rau quả sạch quốc tế FVF, Công ty VinEco, Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty TNHH Ba Huân, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), Công ty Thực phẩm sạch Biggreen…
Theo thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, gần đây nhiều DN lớn đã nghiên cứu và quyết định đầu tư vào nông nghiệp. Ví dụ, Vingroup đã lập VinEco với số vốn 2.000 tỷ đồng cùng chiến lược 2 năm phấn đấu hoàn thành khoảng 300 nhà kính phát triển tập trung sản xuất rau sạch; tập trung phát triển chuỗi mặt hàng phân phối nông sản ở các vùng miền. Trong chuỗi sản phẩm về thịt lợn, gà, Tập đoàn Dabaco ở Bắc Ninh 1 năm sản xuất tới 45 triệu con giống, mỗi ngày 1 triệu trứng thương phẩm, 8 siêu thị phân phối sản phẩm sạch...
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, DN đã nhìn thấy tiềm năng, khả năng có thể sinh lời trong nông nghiệp. Vì thế, việc triển khai lễ ký kết này là một sáng kiến hay. Đây là thông điệp gửi tới người tiêu dùng cũng như cam kết của DN cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khoẻ người dân, cộng đồng, đồng thời cũng là cam kết của DN liên kết bền vững người sản xuất trong tiêu thụ nông sản an toàn để sản phẩm an toàn của họ có đầu ra ổn định trên thị trường.
“Với các DN tham gia ký kết, các DN cần tuân thủ đầy đủ các quy định về ATTP, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và thực hiện đầy đủ các nội dung ký cam kết. Bộ NNPTNT sẽ đồng hành và hỗ trợ các DN thông qua triển khai các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn do DN cung ứng” – ông Tám đề nghị.
Theo số liệu tổng hợp của Bộ NN&PTNT, đến tháng 9.2016, 45 địa phương đã có mô hình chuỗi hoàn chỉnh với tổng số 382 chuỗi; 92 chuỗi được cấp giấy xác nhận với các sản phẩm chính: Rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thuỷ sản các loại. Bộ NNPTNT đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2016, mỗi tỉnh/thành phố trên cả nước hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận.