Triển lãm nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “17 Gương mặt Hành động” do Tổng Giám đốc UNOG Tatiana Valovaya khởi xướng, nhằm ghi nhận và khuyến khích phụ nữ trên toàn thế giới tiếp tục đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đạt các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc Triển lãm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, khi Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong mọi lĩnh vực, đề ra sáng kiến, tổ chức thực hiện các giải pháp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường quan hệ đối tác để bảo đảm thực hiện phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Triển lãm giới thiệu 17 câu chuyện bằng hình ảnh về những phụ nữ đến từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam, tương ứng với 17 mục tiêu phát triển bền vững. Ảnh TTXVN |
Tương ứng với 17 mục tiêu phát triển bền vững, triển lãm này giới thiệu 17 câu chuyện bằng hình ảnh về những phụ nữ đến từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam, tiêu biểu cho nhiều lĩnh vực. Họ là những nhà khoa học, giáo viên, doanh nhân, quân nhân, bác sỹ, nhà ngoại giao, họa sỹ, kỹ sư, cán bộ phong trào, lãnh đạo cộng đồng…
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương nhấn mạnh: “Triển lãm hôm nay sẽ góp phần truyền tải những thông điệp cụ thể về sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, về sự cống hiến tâm huyết của phụ nữ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần nâng cao nhận thức chung về các Mục tiêu Phát triển bền vững, sự đóng góp của phụ nữ và những thành tựu của Việt Nam về bình đẳng giới và phát triển bền vững”.
Vở diễn “Huyền thoại tuổi thanh xuân” sẽ phục vụ khán giả vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh TTXVN. |
Cũng trong khuôn khổ kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, vở diễn “Huyền thoại tuổi thanh xuân” sẽ công diễn lần đầu tiên vào tối 20/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tái hiện hình ảnh 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Đáng chú ý nhất là tác giả - đạo diễn Lê Quý Dương, được sự đồng ý của Ban quản lý Khu Di tích Đồng Lộc, đã lấy 5 tấn đất ở đây vận chuyển về Hà Nội dàn dựng sân khấu.
“Chúng ta biết rằng trong mỗi tấc đất tại chiến trường Đồng Lộc có dấu vết đạn bom và xương máu của hơn 4.000 người đã hy sinh. Đây là một điều có thật chứ không phải hình tượng hóa. Bởi vậy, việc đưa 5 tấn đất Đồng Lộc vào sắp đặt trang trí mỹ thuật trong chương trình rất có ý nghĩa về mặt cảm xúc,” ông Lê Quý Dương cho biết.
Sau buổi công diễn, chương trình sẽ phục vụ khán giả vào tối thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.