2 bé trai đau đầu dữ dội, khó thở, buồn nôn... sau khi bị ong đốt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) mới đây tiếp nhận và cấp cứu thành công 2 trẻ nhỏ bị ong đốt.
Bác sĩ kiểm tra lại sức khỏe cho bệnh nhi N.G.H.
Bác sĩ kiểm tra lại sức khỏe cho bệnh nhi N.G.H.

Trường hợp đầu tiên là cháu B.M.N (7 tuổi, có địa chỉ tại xã Đồng Trung, Thanh Thủy) vào viện trong tình trạng đau đầu, đau bụng, buồn nôn. Theo chia sẻ của gia đình, sáng ngày 22/8 khi cháu N đang chơi bên nhà hàng xóm thì bị ong vò vẽ do gia đình hàng xóm nuôi đốt 11 nốt vào đầu, vùng vai và tay.

Sau khi bị ong đốt cháu xuất hiện đau đầu, choáng váng, gia đình đã nhờ người đến truyền dịch và dùng thuốc giảm đau tại nhà cho cháu. Đến khoảng 22h cùng ngày cháu xuất hiện đau đầu dữ dội, choáng váng, đau bụng, buồn nôn và nôn nhiều. Thấy tình trạng của cháu gia đình đã đưa cháu tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy.

Ngay sau khi tiếp nhận trường hợp của bé B.M.N, các y bác sĩ khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc đã nhanh chóng kiểm tra, xử trí và chỉ định cho cháu B.M.N làm những xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để nắm được tình trạng của cháu B.M.N và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Sau 15 phút cấp cứu, tình trạng sức khỏe của cháu N đã ổn định hơn. Hiện tại cháu N đã không còn tình trạng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, ăn uống bình thường và có thể xuất viện.

Cùng ngày, cháu N.G.H (8 tuổi, ở xã Đào Xá, Thanh Thủy) cũng nhập viện trong tình trạng đau đầu, khó thở, người rét run. Mẹ cháu H kể lại, cháu đang đi ngoài đường thì bất ngờ bị 1 con ong vò vẽ đốt vào cánh tay trái. Sau khi bị đốt cháu xuất hiện đau đầu, chóng mặt, khó thở, người rét run. Gia đình đã nhanh chóng đưa cháu đến Trạm y tế xã sơ cứu sau đó chuyển cháu đến Trung tâm Y tế huyện để được thăm khám và điều trị.

Tại đây, cháu N.G.H được chẩn đoán: Phản vệ độ II do ong đốt. Các bác sỹ nhanh chóng đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhi. Hiện tại sức khỏe cháu H đã qua giai đoạn phản vệ, còn tình trạng nhiễm khuẩn đang được theo dõi và điều trị kháng sinh dự phòng.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn – khoa Hồi sức tích cực và Chống độc chia sẻ: Nọc ong vò vẽ rất độc và nguy hiểm. Khi bị ong đốt có thể gây ra tình trạng cấp cứu sốc phản vệ , tiếp đó tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu. Tại vị trí ong đốt có thể xuất hiện nhiễm khuẩn hoại tử nếu không được dự phòng, điều trị kháng sinh có nguy cơ tiến triển gây nhiễm khuẩn huyết và tử vong. Chính vì vậy khi gặp tình trạng ong vò vẽ đốt cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí sớm nhất, tránh trường hợp xấu xảy ra.

Trước đó ngày 22/8, Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng cũng tiếp nhận 1 trường hợp trẻ bị ong vò vẽ đốt hơn 60 nốt. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khó thở, da ửng đỏ, phù môi, sưng nề, đau dữ dội tại vị trí các vết đốt kèm theo sốc. Bác sĩ chẩn đoán bé sốc phản vệ độ 2, suy hô hấp. Sau một tháng điều trị, bé đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm, đang tiếp tục được theo dõi.

Đọc thêm