Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi N.M.C (11 tháng tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh). Gia đình cho biết, khi chơi ở nhà, C không may bị ngã đập đầu xuống nền cứng. Sau ngã, bé C. vẫn tỉnh táo nhưng vùng đầu sưng nề, nôn mửa, quấy khóc nhiều. Ngay lập tức, gia đình chuyển bé lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu.
Qua kết quả thăm khám lâm sàng và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ chẩn đoán bé C. bị chấn thương sọ não, máu tụ ngoài màng cứng đỉnh chẩm trái. Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cấp cứu mở hộp sọ lấy máu tụ, cầm máu và ghép lại ngay xương sọ cho bệnh nhi.
Ca mổ diễn ra thuận lợi trong 2 giờ phẫu thuật. Sau mổ 1 ngày, bệnh nhi tỉnh táo, bú tốt không nôn. Đến nay, sức khoẻ C tiến triển tốt, không quấy khóc, ăn ngủ và vận động bình thường, vết mổ khô.
Đánh giá trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh – Cột sống cho biết: “Việc thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi này sẽ rất nhiều nguy cơ, bởi cháu bé mới 11 tháng tuổi, cơ thể và não bộ đang quá trình hoàn thiện nên từ khâu gây mê hồi sức cho đến mọi thao tác khi thực hiện phẫu thuật phải rất cẩn trọng và tỉ mỉ. Chỉ cần chạm vào các khu vực não bộ quan trọng (vùng ngôn ngữ, vận động) sẽ tác động không nhỏ đến các vùng chức năng của bệnh nhi, ảnh hưởng đến tương lai của cháu về sau. Nếu được chẩn đoán nhanh, cấp cứu phẫu thuật lấy máu tụ chính xác, kịp thời sẽ giảm thiểu tối đa các nguy cơ di chứng thần kinh, yếu liệt vận động về sau. Bệnh nhi được chúng tôi chăm sóc hậu phẫu tích cực, đảm bảo tốt nhất kết quả cuộc mổ và giúp sức khỏe bệnh nhi phục hồi nhanh”.
Trường hợp thứ hai là bé trai 10 tháng tuổi, xương sọ vỡ lún, sưng tụ máu da đầu, đã cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (Đắk Lắk).
Theo gia đình, trong lúc chơi đùa bé trai không may bị ngã từ nhà sàn ở độ cao 2m. Sau ngã bé vẫn tỉnh táo nhưng quấy khóc nhiều, phần đầu bên trái bị sưng nề bất thường, tụ máu dưới da đầu.
Qua kết quả thăm khám lâm sàng và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ chẩn đoán bé trai bị chấn thương sọ não lún xương sọ vùng đỉnh trái, có mảnh xương rời nghi ngờ chọc thủng màng não, tụ máu dưới da đầu. Bệnh nhi được chỉ định gây mê tĩnh mạch để phẫu thuật chỉnh sửa phần xương sọ vỡ lún.
Kết quả, trẻ hồi tỉnh sau mổ. Chụp CT Scanner sau mổ thấy cho thấy xương sọ đã được nắn trả về vị trí ban đầu. Trẻ được xuất viện sau 5 ngày phẫu thuật.
Thời gian qua các bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị chấn thương sọ não, cột sống nguy hiểm do ngã từ trên giường xuống hay do vật cứng rơi đầu… gây chấn thương sọ não, cột sống rất nguy hiểm. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người lớn cần để mắt, trông chừng đến trẻ thường xuyên để đảm bảo an toàn cho trẻ. Nếu không may tai nạn xảy ra, gia đình cần theo dõi sát tình trạng ý thức của trẻ và các biểu hiện bất thường (đau đầu, nôn, liệt…), không nên chủ quan kể cả khi trẻ chưa có triệu chứng cụ thể. Nếu nghi ngờ chấn thương sọ não cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.