Ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có gần 200 đầu số điện thoại khác nhau, được làm đường dây nóng của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công. Việc có quá nhiều đầu số điện thoại khác nhau dẫn đến khi cần tổ chức, công dân có vấn đề phản ánh, không biết gọi đến số điện thoại nào.
Thêm vào đó, các đầu số đều thuộc điện thoại lẻ của phòng, ban hoặc cá nhân nên không thể nhận được 2 cuộc gọi trở lên, không tự động lưu lại thông tin phản ánh, xử lý… dẫn đến có trường hợp thông tin được ghi lại không chính xác, cụ thể. Do đó, thực tế đến nay, thành phố chưa bao giờ thống kê được người dân đã thực hiện bao nhiêu cuộc gọi đến các số điện thoại đường dây nóng của từng đơn vị.
Trên cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẵn có, ngày 17/3, UBND TP. Đà Nẵng ra Quyết định về việc phê duyệt Đề án thống nhất quản lý và sử dụng đầu số điện thoại đường dây nóng trong tiếp nhận và xử lý phản ánh của tổ chức, công dân qua sử dụng hạ tầng, nhân lực tổng đài và đầu số (0511) 1022 của thành phố, do Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng khai thác và vận hành.
“Đây là đầu số tắt, dễ nhớ, dễ gọi. Sau khi tổ chức, công dân gọi vào đường dây nóng này phản ánh nội dung, sẽ có nhân viên tiếp nhận thông tin và chuyển đến các ngành chức năng để xử lý. Trường hợp ngày nghỉ, lễ thì cuộc gọi được chuyển đến nhân viên trực để xử lý”, ông Sơn cho hay.
Các điện thoại cố định tại Đà Nẵng chỉ cần quay trực tiếp 1022, cước gọi 200đ/phút. Các điện thoại cố định tỉnh, thành khác và điện thoại di động quay (0511) 1022, cước gọi cho nhà mạng như gọi đến điện thoại cố định tại Đà Nẵng (≤888 đ/phút). Đặc biệt, người dân không phải trả phí phục vụ và nội dung thông tin.