2024 - Tạo đột phá cho năm 'về đích'

(PLVN) - Năm 2024 là năm thứ 4 của kỳ kế hoạch 5 năm. Do đó, ngoài nỗ lực, quyết tâm, chúng ta còn phải thể hiện khát vọng vươn lên, thể hiện tinh thần phấn đấu thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. (ảnh: Quốc hội.vn)

Củng cố 2 trụ đỡ của nền kinh tế

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, PGS.TS Trần Hoàng Ngân (đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nhìn về tương lai năm 2024 và những năm tiếp theo, tình hình chung của thế giới chưa thuận lợi, thậm chí còn căng thẳng hơn. Đại biểu đánh giá cao chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” được Chính phủ đề ra cho năm 2024.

“Kinh tế thế giới có thể đi theo hình chữ U, tức là “phần đáy” sẽ kéo dài vài năm nữa, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực của gấp bội lần. Trong đó, vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương là rất quan trọng”, Đại biểu nêu nhận định.

Song, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, để đất nước phát triển một cách bền vững hơn, đây cũng chính là cơ hội để chúng ta cơ cấu nền kinh tế, kiểm soát độ mở kinh tế, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường quốc tế. Trong đó, Đại biểu cho rằng phải đặc biệt quan tâm một số vấn đề. Thứ nhất, dân số Việt Nam đã bước qua ngưỡng 100 triệu. “Đây là một thị trường rất lớn mà nhiều tập đoàn thương mại thế giới, nhiều siêu thị tên tuổi thế giới đang mơ đến nên họ đã đầu tư vào thị trường Việt Nam”, Đại biểu lưu ý.

Điểm thứ hai cần chú ý, theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, là nền nông nghiệp - vốn là “bà đỡ” của nền kinh tế, cũng là thế mạnh của Việt Nam. “Rất ít quốc gia có thế mạnh như Việt Nam. Chúng ta phải quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp một cách đầy đủ và trọn vẹn hơn. Vừa qua, chúng ta đã làm được một số việc như đã đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối với nông thôn, vùng sâu, vùng xa, từ đó giảm bớt các chi phí vận chuyển trong sản xuất nông nghiệp. Chúng ta cần đầu tư thêm nguồn lực khoa học công nghệ, máy móc thiết bị để hiện đại hóa, công nghiệp hóa nền nông nghiệp Việt Nam. Qua đó, giúp chúng ta có điều kiện phát triển bền vững. Cần chú ý rằng đây là yếu tố mà chúng ta ít phụ thuộc nước ngoài nhất”, Đại biểu lưu ý.

Nội lực thứ ba cần lưu ý là ngành du lịch. Đây được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng việc hỗ trợ, đầu tư thời gian vừa qua còn rất khiêm tốn. Cho đến nay, thị trường du lịch nội địa chúng ta đã phục hồi nhưng thị trường du lịch quốc tế đến năm 2023 mới đạt được 70% so với trước dịch. Vì vậy, cần chú trọng củng cố, phát huy phát triển thị trường du lịch - một ngành công nghiệp không khói, cũng là thế mạnh của đất nước Việt Nam với rừng vàng, biển bạc cùng vô số những cảnh đẹp, những di tích văn hóa, ẩm thực... “Khi ngành nông nghiệp, du lịch phát triển thì 2 trụ đỡ đó sẽ giúp chúng ta phát triển một cách bền vững, cho dù thế giới có có đảo điên, có gặp phải những vấn đề trục trặc”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định.

Đặc biệt, Đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý, chúng ta đang có một nền tảng kinh tế vĩ mô được khẳng định ổn định qua 10 năm. “10 năm rồi chúng ta kiểm soát rất tốt lạm phát, nợ công, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được giá trị tiền tệ. Vì vậy nên dù có những biến động như giá vàng vừa qua thì “cú sốc” đó đến thị trường Việt Nam cũng rất nhẹ. Đây là cơ hội để chúng ta phát triển”, Đại biểu nói.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để tạo tác động lan tỏa

Điểm sau cùng, Đại biểu nhấn mạnh, các ngành Du lịch, Nông nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ của đầu tư công. Đánh giá chúng ta đang thực hiện rất tốt vấn đề đầu tư công, Đại biểu cho rằng cần tiếp tục dành nguồn lực nhiều hơn. “Nợ công cho chúng ta dư địa rất lớn để mở rộng, tăng cường đầu tư công trong điều kiện đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân chưa phục hồi, đầu tư nước ngoài thì vẫn có những lực cản do thị trường quốc tế, do đầu tư quốc tế. Trong bối cảnh như vậy, đầu tư công vẫn là nguồn lực quan trọng, là động lực quan trọng để lan tỏa trong việc thu hút vốn đầu tư xã hội”, Đại biểu nói.

Phân tích, Đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ ra rằng, đầu tư công sẽ giải quyết được đa mục tiêu. Thứ nhất là giải quyết những “điểm nghẽn” hiện nay về giao thông, hạ tầng kinh tế, hạ tầng văn hóa, hạ tầng y tế, giáo dục. Đồng thời, tạo nền tảng để chúng ta phát triển trong thời gian tới. Khi đường sá, cầu cảng thuận lợi rồi thì người dân, nhà đầu tư nước ngoài sẽ mở rộng đầu tư vì chi phí logistic, giảm.

Thêm vào đó, khi lưu thông tiện lợi, chi phí đi lại và thời gian di chuyển giảm cũng sẽ khuyến khích du lịch nội địa rất nhiều. Mặt khác, trong bối cảnh các đơn hàng chưa phục hồi, nguồn lao động vẫn có người bị thất nghiệp thì đầu tư công sẽ giải quyết được thêm nhiều công ăn việc làm. “Do đó, chúng ta phải tập trung nỗ lực, siết chặt kỷ cương để khuyến khích giải ngân ngay từ đầu năm để tạo tác động lan tỏa, góp phần hạn chế những tác động bất lợi từ bối cảnh thế giới hiện nay”, Đại biểu nhận định.

“Các kỳ kế hoạch trước, thông thường các năm thứ 4 là năm rất quyết định, là năm về đích, cho nên thường tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn những năm khác. Cho nên tôi kỳ vọng năm 2024 chúng ta sẽ tăng trưởng cao hơn năm 2023”, Đại biểu bày tỏ.

Đọc thêm