Công tác phát triển Đảng trong giới nghệ sĩ Thủ đô: Những nút thắt cần tháo gỡ - Bài 1: Tự hào là người chiến sĩ trên 'mặt trận văn hóa'

(PLVN) -  Ngày 24/11/1946, tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã diễn ra. Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”. Lá thư Người gửi giới họa sĩ và văn nghệ sĩ năm 1951 đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Hà Nội có 97 tác phẩm xuất sắc được trao giải trong Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4 năm 2024. (Ảnh: CTV)
Hà Nội có 97 tác phẩm xuất sắc được trao giải trong Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4 năm 2024. (Ảnh: CTV)

LTS: Chiều dài lịch sử phát triển của đất nước cho thấy, vai trò của văn hóa và đội ngũ văn nghệ sĩ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng muốn được vậy, lực lượng văn nghệ sĩ cần thấm nhuần tư tưởng của Đảng để nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức rõ về vị trí, vai trò của mình trên con đường truyền bá những giá trị tinh hoa đời sống tinh thần, góp phần xây dựng hệ tư tưởng cộng đồng xã hội; tích cực sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới của đất nước. Để có cái nhìn thấu đáo về công tác phát triển Đảng trong giới nghệ sĩ Thủ đô, Báo Pháp luật Việt Nam thực hiện loạt bài “Công tác phát triển Đảng trong giới nghệ sĩ thủ đô: Những nút thắt cần tháo gỡ”, qua đó cho thấy những thành quả đáng ghi nhận cũng như tồn tại để có giải pháp cho công tác quan trọng này.

Trách nhiệm của người nghệ sĩ với lịch sử của dân tộc

Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng, Nhà nước ta luôn coi văn hóa, văn nghệ là một mặt trận, văn nghệ sĩ là “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa”. Lịch sử đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương này khi văn hóa, văn nghệ đã trở thành sức mạnh tinh thần to lớn, người nghệ sĩ trở thành chiến sĩ đóng góp vào sự nghiệp giải phóng, thống nhất dân tộc và xây dựng đất nước. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “... Giữa những loạt súng nổ ran, chợt nghe tiếng hát của chiến sĩ ta... Vào những giờ phút ác liệt của chiến tranh, tiếng hát có tác dụng kỳ lạ...”.

Nhạc sĩ Huy Thục từng kể rằng, hồi cuối năm 1967, ở mặt trận Trị Thiên, quân ta đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Ông nghĩ rằng, trong tình cảnh như thế phải đưa ra một giai điệu khiến lòng người vui lên, đủ sức vượt qua thử thách, cam go. Vì thế, “Tiếng đàn Ta Lư” đã ra đời. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, giai điệu này qua giọng nữ cao Tường Vy, âm vang qua những chiếc đài bán dẫn, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu, cầm chân một lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở Quảng Trị suốt thời gian dài.

Còn theo NSND Quang Thọ, năm 1971, ông và đồng nghiệp ở Đội văn công xung kích vùng mỏ Quảng Ninh được phân công đi phục vụ chiến trường miền Nam. NSND Quang Thọ đã mang tiếng hát của mình để động viên cán bộ, chiến sĩ trên các mặt trận miền Nam, Lào, Campuchia, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho bộ đội.

“Tôi đã từng theo những đoàn quân trên đường Trường Sơn huyền thoại. Những nghệ sĩ như chúng tôi cho dù phải đối mặt với muôn vàn gian khổ mà trước đó chưa bao giờ nghĩ tới nhưng luôn lạc quan, không sợ gian khổ, ác liệt ở chiến trường”, ông cho biết.

Trong thời bình, nhiệm vụ của những người nghệ sĩ trên “mặt trận văn hóa” cũng không hề vơi nhẹ, ngược lại, mỗi nghệ sĩ đều là một chiến sĩ kiên cường trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Có thể lấy một ví dụ, những năm gần đây, các đơn vị sân khấu cải lương đã tích cực dàn dựng những vở diễn về đề tài Đảng, lịch sử, cách mạng… Đây được xem là chủ đề lớn, thiêng liêng và cũng gây xúc động với người xem. Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhiều đoàn nghệ thuật đã chuyển thể và dàn dựng nhiều vở diễn về Bác Hồ với những thử nghiệm về nội dung và hình thức, bước đầu tạo hiệu quả nghệ thuật tốt.

Tác phẩm sử thi “Nước non vạn dặm” là tác phẩm về Bác Hồ giai đoạn Bác ra đi tìm đường cứu nước do tác giả PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương viết kịch bản (Chương trình nghệ thuật sân khấu sử thi “Nợ nước non” nằm trong tác phẩm sử thi “Nước non vạn dặm” vừa ra mắt ngày 20/11/2024). Là đạo diễn dàn dựng, TS. NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam tâm sự rằng, khi nhận những kịch bản đề tài Bác Hồ, Đảng và cách mạng, ông cũng có áp lực rất lớn rằng làm sao để khán giả tiếp nhận được, đặc biệt là đề tài về Bác, vì tình cảm của Nhân dân với Bác rất sâu sắc, những câu chuyện về Bác phải trung thực với lịch sử. Nhưng đạo diễn cũng tin tưởng rằng các tác phẩm sân khấu chính luận vẫn có lượng khán giả nhất định bởi khi tìm đến những vở diễn về Đảng, về Bác, tức là công chúng không mong chờ một sản phẩm giải trí thông thường, mà họ muốn tìm hiểu về Bác, muốn sống trong những thời khắc lịch sử của dân tộc, muốn lắng nghe những thông điệp chính trị.

“Đó là áp lực, cũng là vinh dự bởi tôi ý thức được rằng những trang sử của dân tộc luôn cần được nhắc tới để lòng yêu nước, thương nòi trở thành mã gene của người Việt mọi thế hệ”, đạo diễn nhấn mạnh.

Xây dựng và phát triển Đảng trong đội ngũ nghệ sĩ là vô cùng quan trọng

Vài nét chấm phá nói trên để thấy, thông qua các tác phẩm nghệ thuật, văn nghệ sĩ chính là “những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” với sứ mệnh, đóng góp vào sự nghiệp của dân tộc và đất nước. Song, trong giai đoạn hiện nay, thực tế đã và đang đặt ra vấn đề thực tiễn là phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và một trong những giải pháp đó là phải làm sao để đội ngũ văn nghệ thực sự phát huy hết vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.

Trong bài viết “Ðổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ” của PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ đã nhấn mạnh: “Trong tình hình mới, việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan văn hóa, văn nghệ phải bám sát, cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm của Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng, đồng bộ với Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới… Mục tiêu tổng quát là tăng cường xây dựng Đảng trong các cơ quan văn hóa, văn nghệ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ở lĩnh vực được coi là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương nhằm nâng cao khả năng tập hợp, động viên phát huy tiềm năng sáng tạo và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ của hội”.

“Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở Thủ đô Hà Nội hiện nay” đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 24/10/2024. Nội dung Hội thảo cho thấy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách quản lý của Nhà nước, sự sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ và sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, Thủ đô Hà Nội có vai trò, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Việc giữ gìn an ninh văn hóa song hành với giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thành phố. “Để vừa “xây”, vừa “chống” nhằm làm tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô. Việc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ phải là vấn đề tự thân, tự nguyện đến từ trong ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân”.

Văn nghệ sĩ phải nhận thấy rằng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ sinh mệnh của chính mình

GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo nên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng đòi hỏi tinh thần đổi mới, sáng tạo. Chúng ta không cần nhắc nhở, mà từ các văn, nghệ sĩ phải nhận thấy rằng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ sinh mệnh của chính mình. Lúc đó, sức mạnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mới càng vững mạnh. Hãy chuyển hóa ý thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thành tình cảm tự thân, cách ứng xử tự thân của các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ của dân tộc ta. Thành ủy, UBND TP Hà Nội cần tạo môi trường, điều kiện để nhà văn hóa, văn nghệ sĩ có thể đem hết nhiệt huyết của mình, tài năng, sáng tạo vì một Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; vì người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá, con người Việt. Có như vậy, sức đề kháng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực của văn hóa, văn nghệ Hà Nội ngày càng lớn mạnh”.

(Còn tiếp)

Đọc thêm