Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng. Trên cơ sở báo cáo của cơ quan chuyên môn của tỉnh, đến nay vẫn có 22 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tái đàn lợn chỉ đạt ở mức thấp so với thời điểm trước khi có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Cụ thể: Bắc Ninh (68%); Lai Châu (68%); Vĩnh Phúc (67%); Vĩnh Long (63%); Trà Vinh (62%); Tiền Giang (59%); Hà Nội (59%); Ninh Bình (57%); Bạc Liêu (56%); Quảng Nam (52%) TP Hồ Chí Minh (52%); Bến Tre (51%); Sóc Trăng (50%); Hậu Giang (50%); Long An (49%); An Giang 947%); Hải Dương (46%); Kiên Giang (44%); Đà Nẵng (41%); Hải Phòng (40%); Lạng Sơn (36%); Đồng Tháp (21%).
Tại Công văn số 3671/BNN-CN, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố này chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai các giải pháp tối ưu nhất để tái đàn và tăng đàn lợn, đảm bảo nguồn cung thịt lợn.
Cụ thể, Có chính sách hỗ trợ về đất đai, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn lợn; Kịp thời công bố hết dịch khi đủ điều kiện để các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn đảm bảo an toàn sinh học; Có chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc tái đàn và tăng đàn; Hoàn thiện thủ tục hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi Dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian qua; Tổ chức thông tin, tuyên truyền chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên và thông báo về Bộ NN&PTNT các vấn đề phát sinh để phối hợp, xử lý kịp thời…