22 nghìn lon sữa ủng hộ từ Australia không được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Lô hàng 22 nghìn lon sữa dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi do nhóm thân hữu Sydney và Công ty sữa Nutrico (quốc tịch Australia) viện trợ không thuộc trường hợp miễn kiểm tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, Hải quan cho phép đưa hàng hóa về bảo quản trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan theo quy định hiện hành.
Cán bộ Hải quan kiểm tra hàng hóa. (Ảnh minh họa)
Cán bộ Hải quan kiểm tra hàng hóa. (Ảnh minh họa)

Đây là nội dung tại Công văn số 5315/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan trả lời Công văn số 2731/HQHCM-GSQL của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh về việc vướng mắc thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa viện trợ.

Cụ thể, Công văn 5314 cho biết, theo trình bày và tài liệu gửi kèm Công văn 2731 thì lô hàng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi do nhóm thân hữu Sydney và Công ty sữa Nutrico (quốc tịch Australia) viện trợ cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là hàng hóa do nước ngoài viện trợ phi dự án cho Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì hàng hóa viện trợ không thuộc trường hợp miễn kiểm tra an toàn thực phẩm. Do vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh trao đổi, báo cáo với UBND TP Hồ Chí Minh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện hướng dẫn tại điểm 2 Công văn số 2055/ATTP-KN ngày 1/11/2021 của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đối với lô hàng viện trợ là sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.

Trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh chỉ đạo cho phép đưa hàng hóa về bảo quản trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan theo quy định hiện hành.

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, trong một phiên làm việc của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đã lấy ví dụ về một lô hàng với 22.000 lon sữa do đồng bào ở Australia ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh về nước đã 1 tháng nhưng không lấy ra được.

Bà Tô Thị Bích Châu cho biết, thời điểm đó Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Trong khi Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý thì Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị thành phố Hồ Chí Minh hỏi Chính phủ.

“Chúng tôi gửi công văn đến Chính phủ thì cũng giao về cho Cục An toàn thực phẩm trả lời, vậy tại sao không tham mưu luôn, nêu chính kiến của mình?”, bà Châu cho biết và nhấn mạnh cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình nhưng không đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Từ đó, nữ đại biểu mong Chính phủ tạo ra cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của từng bộ, ngành và từng cán bộ trong việc tham mưu.

Đọc thêm