230.000 trẻ dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng cấp tính nặng mỗi năm: Cần khung pháp lý quy định việc điều trị

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới của Tổ chức Unicef, tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính của trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam chiếm 19,6% đến dưới 20%, tương đương với hơn 230.000 trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng cấp tính nặng mỗi năm.
UNICEF kêu gọi các quốc gia tăng cường chính sách dinh dưỡng và tích hợp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em vào các chương trình y tế và ngân sách phát triển dài hạn. (Nguồn ảnh UNICEF Việt Nam)
UNICEF kêu gọi các quốc gia tăng cường chính sách dinh dưỡng và tích hợp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em vào các chương trình y tế và ngân sách phát triển dài hạn. (Nguồn ảnh UNICEF Việt Nam)

Nhận diện suy dinh dưỡng cấp tính trẻ em

Để nhận diện suy dinh dưỡng cấp tính trẻ em, tại Tọa đàm “Điều trị suy dinh dưỡng cấp tính trẻ em trong dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)” tổ chức tháng 5/2020, TS. BS Huỳnh Nam Phương - Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế cho biết, suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng do bệnh tật hoặc do thiếu ăn, ảnh hưởng đến các sự phát triển thể chất và trí tuệ của cơ thể. Suy dinh dưỡng cấp tính có nguyên nhân bởi tình trạng thiếu ăn và bệnh tật phổ biến như tiêu chảy hoặc viêm phổi ở trẻ em.

“Hiện tại tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính ở Việt Nam khoảng 6 - 7%, mỗi năm chúng ta phải đối phó với 700.000 ca suy dinh dưỡng cấp tính, trong đó thể nặng 230.000 ca cần được điều trị. Sự phân bố của suy dinh dưỡng cấp tính theo vùng miền: cao ở vùng miền núi phía Bắc (20.000 ca), Tây Nguyên (38.000 ca), vùng dân tộc thiểu số (50.000 ca). Hậu quả của suy dinh dưỡng đối với trẻ em cao gấp 9 - 20 lần so với trẻ bình thường và nguy cơ mắc các bệnh khác về nhiễm khuẩn hoặc hồi phục sẽ chậm và ảnh hưởng lâu dài đến trí tuệ, thể chất, khả năng học tập, nói rộng hơn là ảnh hưởng đến các chi phí của gia đình, xã hội cũng như quốc gia”, theo TS. BS Huỳnh Nam Phương.

Cần khẩn trương giải quyết

Ngày 21/10/2022, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, 90% trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở Việt Nam không được điều trị. Giải pháp cho vấn đề này là cần có chính sách và luật pháp hỗ trợ. Theo bà Rana Flowers, thách thức mà Việt Nam cần phải đối mặt chính là làm thế nào để có thể tìm ra và thực hiện các giải pháp thiết thực, cấp bách để giảm nhanh số trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng.

“Bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng có thể điều trị được. Các gia đình có con bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng cần phải tiếp cận được với các sản phẩm điều trị lâm sàng đã được WHO và UNICEF phê duyệt. Để đảm bảo mọi trẻ em mắc suy dinh dưỡng cấp tính nặng đều được điều trị, không phân biệt dân tộc hay tình trạng kinh tế - xã hội, UNICEF khẩn thiết kêu gọi Bộ Y tế, Chính phủ và Quốc hội đảm bảo có các chính sách và pháp luật hỗ trợ, bao gồm cả Luật Khám bệnh, chữa bệnh sắp được sửa đổi như công nhận suy dinh dưỡng cấp tính nặng là một căn bệnh; xác định các sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng là thuốc; điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng được bảo hiểm y tế chi trả…”, theo Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam.

Nêu ý kiến tại hội thảo tháng 5/2020, ông Nguyễn Trọng An, bác sĩ chuyên khoa nhi, chuyên gia dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (nay là Cục Trẻ em) cho biết, suy dinh dưỡng hiện nay phần lớn không phải do thiếu ăn, thiếu protein năng lượng, mà còn thể suy dinh dưỡng do thiếu vi chất như thiếu vitamin A, thiếu sắt…

Ở góc độ pháp luật, chính sách, có Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, có chương trình vitamin A một năm hai lần, chương trình muối trộn i-ốt…; phòng và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và các Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Nhưng chưa đủ, chúng ta phải coi suy dinh dưỡng là một bệnh và cần những sản phẩm đặc trị để điều trị.

Suy dinh dưỡng gây ảnh hưởng tới tính mạng và quyền được sống của trẻ, ảnh hưởng tới não bộ, khả năng học tập, tiếp cận khoa học công nghệ của trẻ, dẫn tới làm chậm quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa, do nguồn nhân lực không đảm bảo chất lượng.

Theo quan điểm các chuyên gia, việc điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính được thanh toán bảo hiểm y tế. Hiện vẫn chưa có chính sách cũng như nguồn tài chính nào được xác định từ ngân sách Trung ương hoặc địa phương cho các can thiệp quản lý lồng ghép suy dinh dưỡng cấp tính và hậu quả có tới 90% các trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng không được điều trị.

Theo Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, vì suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt được kê đơn theo hướng dẫn y tế, Việt Nam cần có một khung pháp lý cụ thể quy định việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng. Các luật liên quan đến sức khỏe đang được xem xét sửa đổi hiện nay cũng như trong tương lai gần, bao gồm Luật Khám bệnh, chữa bệnh là cơ hội duy nhất để tăng cường khả năng trẻ được tiếp cận điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng.

Đọc thêm