24 quốc gia tham dự Hội nghi Trao đổi Quân y châu Á-Thái Bình Dương 2015

(PLO) - Ngày 14/9, tại Đà Nẵng , Cục Quân y (Bộ Quốc phòng Việt Nam) phối hợp với Quân y Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị Trao đổi Quân y châu Á- Thái Bình Dương năm 2015 (APMHE-2015) với gần 500 đại biểu đến từ 24 quốc gia trên thế giới.
Quang cảnh Hội nghị

Theo Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y Việt Nam, việc tổ chức APMHE-2015 tại Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đối ngoại quốc phòng, đồng thời là một trong các hoạt động thiết thực kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hoa Kỳ.

Hội nghị kéo dài đến ngày 18/9/2015. Với chủ đề “Hợp tác y tế toàn cầu”, APMHE-2015 tạo điều kiện để các nhà khoa học, chuyên môn thuộc lĩnh vực y học của các nước khu vực châu Á- Thái Bình Dương gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu thế mạnh của mỗi nước; qua đó tiến tới hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực quân y. Dịp này cũng để các nhà khoa học, chuyên môn của Quân y Việt Nam gặp gỡ, trao đổi chuyên môn với các nhà khoa học, chuyên môn quân y các nước trong khu vực.

APMHE-2015 có 214 báo cáo khoa học được in trong kỷ yếu hội nghị (trong đó Việt Nam có 103 báo cáo) thuộc các chuyên đề nội khoa, ngoại khoa, bỏng, truyền nhiễm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, cấp cứu thảm họa, chuyển thương, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đào tạo cán bộ - nhân viên quân y, y học cổ truyền, dược và trang thiết bị y tế, ứng dụng công nghệ tiên tiến và CNTT trong y học… Dự kiến có 130 báo cáo khoa học được trình bày, thảo luận tập trung tại hội nghị theo các chuyên đề khác nhau (Việt Nam có 40 báo cáo).

Trung tướng Lê Chiêm, Phó tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh: “hội nghị năm nay mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày càng phức tạp, khó lường, xuyên quốc gia. Giải quyết vấn đề trên, đòi hỏi sự nỗ lực chung của tất cả các nước, trong đó vai trò của lực lượng quân y rất quan trọng”.
Từ đó, tại hội nghị này, trung tướng Lê Chiêm đề nghị APMHE-2015 cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu thế mạnh quân y mỗi nước, tìm ra các lĩnh vực hợp tác thiết thực, hiệu quả, đồng thời nghiên cứu khả năng hỗ trợ các nguồn lực, nhằm thu hẹp khoảng cách về phát triển quân y các nước, cũng như đề xuất các cơ chế, chia sẻ thông tin kịp tời trong việc ứng phó với những thách thức chung. 

Đọc thêm