Ngành Thanh tra: Quyết tâm đổi mới cách nghĩ, cách làm

(PLO) - Dưới sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong nhiệm kỳ 2011 - 2015, ngành Thanh tra đã quyết tâm đổi mới cách nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo, đoàn kết nhất trí nỗ lực hết mình tập trung vào các nhiệm vụ được giao. 
Nhờ vậy, ngành đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và xây dựng nội bộ.
Ngành Thanh tra triển khai nghiêm túc Chỉ thị 03 để xây dựng nội bộ
Ngành Thanh tra triển khai nghiêm túc Chỉ thị 03 để xây dựng nội bộ
Tập trung thanh tra những lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm
Công tác thanh tra 5 năm vừa qua tập trung thanh tra những lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm. Toàn ngành đã triển khai trên 37.390 cuộc thanh tra hành chính và trên 783.200 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. 
Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế với số tiền là 208.540 tỷ đồng, lập biên bản, ban hành 945.900 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 29.300 tỷ đồng, xử lý khác hơn 59.840 tỷ đồng; đã kiến nghị xử lý kỷ luật 6.460 tập thể, 22.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 297 vụ, 355 người. 
Nhiều cuộc thanh tra diện rộng trên các lĩnh vực như quy hoạch và quản lý, sử dụng đất đai (năm 2011); việc thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên (2012); tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ (2014) được quan tâm triển khai và thu được kết quả tích cực. 
Công tác thanh tra thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng được chú trọng hơn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của thanh tra các cấp, các ngành trong suốt nhiệm kỳ.  
Đột phá trong khen thưởng người tố cáo tham nhũng
Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo ráo riết, đã trình ban hành và ban hành được nhiều văn bản quan trọng với nhiều điểm chuyển biến mạnh mẽ. 
Có thể kể đến Nghị định về minh bạch tài sản được Chính phủ (Nghị định số 86/2011/NĐ-CP) với quy định mới về công khai bản kê khai tài sản trong thời điểm Luật Phòng, chống tham nhũng chưa sửa đổi, bổ sung nội dung này; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012 có nhiều quy định mới như giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm; tạm đình chỉ công tác, tạm chuyển vị trí công tác klhi cán bộ công chức có dấu hiệu tham nhũng; quy định trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ... Đặc biệt, đã ban hành cơ chế khen thưởng người tố cáo tham nhũng (Thông tư liên tịch số 01/2015/TT-TTCP-BNV) với mức thưởng đột phá, lên đến trên 3 tỷ đồng, tùy theo thành tích của người tố cáo.
Bên cạnh việc dần dần hoàn thiện cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn cũng như ngăn chặn việc xảy ra tham nhũng thông qua việc phát hiện, xử lý, chấn chỉnh kịp thời nhiều vụ việc vi phạm trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, thì công tác phát hiện và xử lý tham nhũng qua hoạt động thanh tra có chuyển biến tích cực. 
Qua thanh tra đã phát hiện 441 vụ (tăng 212 vụ so với nhiệm kỳ trước), 692 người có dấu hiệu tham nhũng với 769 tỷ đồng, 10 ha đất; kiến nghị thu hồi 745 tỷ đồng (tăng 637 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước); kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 596 cá nhân, xử lý trách nhiệm 157 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ, 272 đối tượng.
Cán bộ ngành Thanh tra luôn tích cực trong các nhiệm vụ được giao
 Cán bộ ngành Thanh tra luôn tích cực trong các nhiệm vụ được giao
Chú trọng công tác xây dựng nội bộ
Công tác xây dựng ngành, xây dựng nội bộ cũng rất được chú trọng, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong thời gian qua. Việc tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã tạo được chuyển biến tích cực trong Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra. 
Theo đó, công tác bổ nhiệm cán bộ được chấn chỉnh ngay, kiên quyết không để tái diễn sai phạm; công tác tuyển dụng công chức, viên chức được tiến hành thận trọng, chặt chẽ hơn; chấm dứt việc cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn và không có trong Kế hoạch...
Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX và kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2015). 
Trong thời gian tới, ngành Thanh tra ý thức được rằng cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn tình hình hiện nay của đất nước để có quyết tâm cao hơn, phát huy hơn nữa vai trò của thanh tra, không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả trong hoạt động thanh tra, làm cho hoạt động thanh tra thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của Nhà nước. 
Trong 5 năm qua, ngành Thanh tra đã tham mưu cho các cơ quan hành chính tiếp hơn 1.758.400 lượt công dân (20.282 lượt đoàn đông người); tiếp nhận 476.460 đơn khiếu nại, tố cáo; giải quyết 207.805 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 87%. Qua giải quyết, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 2.327 tỷ đồng, 1.147 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.947 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 186 vụ, 442 người... 

Đọc thêm