Vui như mùa Xuân năm 1975!
Chỉ một khắc họa này thôi, chúng tôi sẽ cho bạn đọc hình dung kỳ tích được tạo ra từ công trình lịch sử này: Cho tới trước khi Việt Nam thực hiện đường dây 500 kV Bắc - Nam, để thực hiện được công trình tải điện qua đường dây 400kV với khoảng cách dưới 700km, các nước tiên tiến phải mất khoảng 7 - 8 năm. Nhưng đường dây 500 kV Bắc - Nam của ta, với chiều dài 1.487km nhưng chỉ thực hiện xong trong… 2 năm.
Kỳ tích không tưởng ấy đã thúc kinh tế - xã hội của miền Nam phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay. 25 năm qua, đường dây siêu cao áp vẫn “thầm lặng” làm nhiệm vụ tải điện từ Bắc vào Nam. Hơn 2 thập kỷ trôi qua, những người trực tiếp làm nên công trình vĩ đại này còn lại không nhiều, nhưng những ký ức về những ngày quần quật với cây rừng, núi đá và khoảnh khắc đóng điện thành công, hòa lưới 3 miền vẫn nguyện vẹn trong ký ức nhiều thế hệ ngành Điện.
Trò chuyện với PLVN, ông Nguyễn Ngọc Lâm - Giám đốc Truyền tải điện (TTĐ) Quảng Bình rưng rưng xúc động khi nói tới thời khắc ấy - ngày 27/5/1994. Ông kể, 25 năm trước, ông được giao phụ trách đội đường dây thuộc khu vực Ba Đồn (Quảng Bình), thực hiện công việc giám sát nghiệm thu công trình. Lúc đó, đóng điện ở 3 địa điểm Đà Nẵng, Hòa Bình và Pleiku, ông chỉ được nghe qua hệ thống thông tin liên lạc nội bộ ngành.
“Niềm vui thực sự vỡ òa như Chiến thắng mùa xuân năm 1975 vậy! Đến tận giờ này, tôi vẫn nhớ những cảm giác của mình, những cảm xúc của anh em trong cùng đơn vị. Lúc đó, chúng tôi vẫn còn trẻ lắm nên khi nghe tin đóng điện thành công, anh em đã mang bất kỳ thứ gì vớ được từ xoong, nồi, chảo… ra gõ, như giờ đây, chúng ta ăn mừng sau trận bóng”, ông Lâm nhớ lại
Tuy nhiên, ít người biết được thời khắc đóng điện đầu tiên ở Đà Nẵng cũng khiến bao người lo lắng, khi lần lần đóng đầu tiên đóng thì “bị bật ra”. Nói về chi tiết này, ông Trần Dương Nghĩa - Giám đốc TTĐ Đà Nẵng, người trực tiếp có mặt trong thời khắc quan trọng cách đây 25 năm trước cho biết, do anh em chỉ quen với việc xử lý đường dây 220kV nên còn bỡ ngỡ khi tiến hành đóng nút khóa 572 của đường dây 500 kV. Thao tác chưa thật thành thạo nên việc hòa đồng bộ khiến lúc đầu “bật ra” như đã nói.
Nhìn lại những bức hình tư liệu của ngành Điện trong các phòng truyền thống vẫn thấy vẹn nguyên những ánh mắt tràn đầy niềm tin, những nụ cười rạng rỡ của những người góp phần làm nên điều kỳ diệu cho truyền tải điện năm xưa như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và những lãnh đạo của ngành Điện lúc đó và cả những người bạn quốc tế - những người thán phục chúng ta với câu nói:“Việt Nam đã làm được một điều không tưởng”.
Công nhân TTĐ thường xuyên bám địa bàn để đảm bảo cho dòng điện Bắc - Nam luôn thông suốt |
Bám đường dây không ngừng nghỉ
Sau khi hòa lưới điện thành công, công tác bảo vệ huyết mạch năng lượng quốc gia cũng lắm điều gian nan, vì chỉ cần một sự cố nhỏ thôi là bao nhiêu nỗ lực của suốt 2 năm vượt núi, băng rừng… của hàng triệu con người sẽ xuống sông, xuống bể.
Vì thế, mà ý thức phát quang tuyến, bảo vệ hành lang tuyến được đặt lên trên hết trong mỗi một công nhân TTĐ từ Bắc vào Nam. Lính truyền tải phải gần dân, nói cho nhân dân hiểu về tầm quan trọng của tuyến đường dây 500 kV nơi nó đi qua. Công nhân truyền tải điện thậm chí còn được ví như lực lượng biên phòng, phải dựa vào dân để họ trở thành một mắt xích quan trọng bảo vệ công trình đường dây 500 kV mạch 1.
Những món quà nhỏ (như chiếc thẻ điện thoại, món quà nhỏ dịp lễ, Tết) trao cho bà con mỗi lần đến thăm, gặp gỡ là “sợi dây” kết nối tình cảm giữa người lính TTĐ và nhân dân dọc tuyến, nhờ đó mà gắn kết, khăng khít, để 25 năm qua đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam vẫn đảm đương thành công trọng trách quan trọng với đất nước.
Giám đốc TTĐ Đà Nẵng Trần Dương Nghĩa kể với chúng tôi về sự cố sạt lở vị trí cột 1906 ở Khâm Đức, (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) vào năm 1996. Lúc bấy giờ, vị trí này bị sạt lở rất nặng, anh em phải đi bộ đến đây để tiến hành xử lý, nhưng do đó là điểm bị cô lập với những vùng xung quanh, khó tiếp tế hậu cần, vật tư nên công việc bội phần gian nan.
Vì thế, mà lệnh điều trực thăng tham gia xử lý sự cố cũng đã được quyết định. Máy bay phải bay từ Đà Nẵng, với đầy đủ thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết để vào Quảng Nam… Tuy nhiên, do địa hình quá khó khăn, trực thăng cũng không thể tiếp cận với vị trí cột 1906. Lập tức, một đoàn khác đã được huy động bay thẳng Sài Gòn, rồi lên Pleiku và từ Pleiku tìm cách bay vòng tới vị trí sạt lở.
Trên đường đi, tới Đăkray, đoàn đã gặp một vị trí sạt lở tương tự gần đèo Lò Xo (Kon Tum). “Thật may, chiếc máy bay bay qua được vị trí sạt lở này. Nhưng ngồi trên không, trời mù sương, nghe người lái nhắc nhở “núi, núi” là thấy máy bay chao liệng. Dù không ai nói ra, nhưng ai trong lòng cũng lo lắng, không biết có tới đích an toàn?”, lời ông Nghĩa.
Những khó khăn, vất vả trong quá trình bảo vệ đường dây khó có thể kể hết, nhưng có một điều chắc chắn rằng ở đâu có bóng dáng của đường dây, trụ cột, ở đó luôn có dấu chân người lính TTĐ. Không ít những người thợ cả cuộc đời mình gắn với đường dây, trong khi tuổi nghề của lính TTĐ thường không quá cao (chỉ chừng 45 - 50 tuổi) là không làm việc nặng nhọc… Việc bố trí công việc cho những công nhân này cũng là một điều đầy trăn trở của ngành.
Bây giờ, khi khoa học công nghệ phát triển, mồ hồi của người công nhân TTĐ cũng bớt rơi trên áo. Họ có thể dùng máy đo nhiệt để phát hiện đoạn dây nào nóng để “hạ nhiệt”. Ở TTĐ Quảng Bình còn đã sử dụng những con “mắt thần” tại những vị trí xung yếu để theo dõi các vị trí xung yếu trên tuyến đường dây.
Được biết “mắt thần” (là camera chạy bằng năng lượng mặt trời có gắn sim 3G) có thể giúp giám sát thường xuyên trên đường dây, đặc biệt nó có thể nhìn thấy những hành vi xâm phạm hành lang tuyến... Từ khi được thêm “mắt”, công nhân thấy yên tâm hơn vì đường dây luôn trong tầm kiểm soát.
Gần đây, những kỹ sư của Công ty TTĐ 2 còn sáng tạo ra một thiết bị có thể xử lý nhanh, gọn những vật cản vướng trên đường dây như diều, nilon… mà công nhân không phải leo cột. Công nhân đặt tên cho nó là “rồng lửa”, có thể bay tới độ cao gần 1 km, phun lửa đốt cháy những vật cản vướng vào đường dây mà không hề làm ảnh hưởng đến hệ thống lưới truyền tải và đặc biệt làm giảm được rủi ro cho công nhân.
Tuyến đường dây siêu cao áp 500 kV đầu tiên đã và sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh truyền năng lượng, thắp sáng tương lai cho đất nước và chắc chắn sẽ để lại những dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp điện khí hóa quốc gia như những điều không thể quên mà công trình đã tạo ra suốt hơn 2 thập kỷ qua.
Ngày 27/5 đi vào lịch sử ngành Truyền tải điện
“Vào lúc 19h07 ngày 27/5/1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra lệnh hòa hệ thống điện Việt Nam , với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, tại trạm Đà Nẵng, thông qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500kV của Việt Nam vào vận hành”.