Những ngày đầu tháng 8/2014, người dân ở phường Vĩnh Phước (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) hồ hởi khi 3 công dân của phường này vừa được CQĐT công an và Viện KSND tỉnh phê chuẩn các quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đồng thời thả tự do sau 2 năm bị tạm giam.
Đến nhà hàng xóm chửi bị vây đánh?
Theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng, khoảng 0h ngày 3/8/2012, Lâm Tài Mấu (SN 1974, bí danh Tài Cột) cùng Trần Đức Minh (tức Mến) sau khi nhậu ngà ngà kéo đến nhà ông Phạm Văn Lé (SN 1963, ngụ phường Vĩnh Phước, TX Vĩnh Châu) chửi bới và đập cửa. Bị khuấy động, ông Lé bước ra ngoài tát vào mặt Mấu, còn vợ là Thạch Thị Xem dùng cây ba trắc đánh vào chân Mấu. Thấy vậy, Minh kéo Mấu ra về nhưng người này không chịu.
Khoảng 10p sau, Mấu quay lại nhà ông Lé tiếp tục chửi bới tục tĩu. Bị chửi, chủ nhà tức giận lấy cây gỗ dùng gài cửa đánh vào đầu của Mấu khiến nạn nhân té xuống nền sân. Mấu chống tay định ngồi dậy liền bị ông Lé đánh tiếp gậy nữa vào đầu nằm bất động tại chỗ. Nằm bất tỉnh chừng 10p, Mấu tự động đứng dậy đi ra hướng đê biển, Minh cũng đi theo nhưng sau đó không thấy Mấu nên quay về nhà ngủ.
Căn nhà nơi Mấu nhậu trước khi đến nhà Lé gây sự (cách nhà Lé khoảng 100m). |
Đến 2h45p, công an phường Vĩnh Phước nhận tin báo Mấu nằm chết trên đường về chợ phường. Vị trí Mấu chết cách nhà ông Lé chừng cây số.
Ngày 13/9/2012, Phạm Văn Lến (em ruột ông Lé) đến cơ quan công an đầu thú, khai nhận chứng kiến anh trai cầm gậy đánh vào đầu Mấu. Ngày 22/9/2012, CQĐT tống đạt quyết định bắt Phạm Văn Lé. Qua điều tra, Lé thừa nhận hành vi dùng tay đánh nạn nhân. Sau đó, ông Lé bị truy tố về tội “Giết người”, Phạm Văn Lến và Thạch Thị Xem phạm tội “Không tố giác tội phạm”. Các nghi phạm bị tạm giam từ đó.
Bị cáo đồng loạt phản cung
Ngày 17/2/2013, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án. Tại phiên tòa, trong khi vị đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng khẳng định cơ quan tố tụng đã thực hiện đúng quy định pháp luật, khởi tố đúng người đúng tội thì các bị cáo liên tục kêu oan, thậm chí khai trước tòa bị ép cung. Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng kết luận điều tra, cáo trạng của VKSND “vênh” với Kết luận giám định pháp y về các vết thương tích của nạn nhân, số lượng người tham gia đánh đập nạn nhân.
Đáng chú ý, các bị cáo đều đồng loạt phản cung. Bị cáo Lé khai trước toà: “Khi thực nghiệm hiện trường, tôi không đánh người nên không biết thực nghiệm ra sao thì cán bộ điều tra hướng dẫn thực hiện các động tác một cách chi tiết. Biết không đúng nhưng vẫn phải làm, thậm chí phải khai giết người vì bị cán bộ đánh, hăm dọa bỏ tù hết cả nhà”.
Ông Phạm Văn Lến diễn tả động tác nắm tóc đánh của điều tra viên. |
Dấu vết tại hiện trường được các luật sư bào chữa cho bị cáo “soi” nhiều nhất tại phiên toà sơ thẩm. Cụ thể nơi phát hiện thi thể Mấu có nhiều máu. Trong khi đó, tại sân nhà ông Lé, nơi được cho Mấu bị đánh vỡ sọ phải nằm im khoảng 10p và suốt quãng đường từ nhà ông Lé đến nơi phát hiện thi thể Mấu lại không có một vết máu nào.
Còn bà Thạch Thị Xem (vợ Phạm Văn Lé) phản cung, tối hôm xảy ra sự việc, Mấu đến đập cửa rồi chửi chồng bà. Lúc đó ông Lé mới ngồi dậy mở cửa ra xem thì Mấu xông vào đánh. Chồng tôi xô Mấu ra và dùng tay đánh một, hai tát gì đó. Sau đó Mấu đi về, vợ chồng tôi đóng cửa ngủ tiếp.
Khoảng 2h sáng điện thoại đổ chuông, chồng tôi bắt máy thì người gọi là chú Nam (trưởng ấp) kêu chồng tôi đi giữ hiện trường vụ xác chết (Lé là dân quân tự vệ địa phương). Đến đó mới biết người chết là Mấu. Vậy mà công an lại bắt chồng tôi về tội giết người”.
Bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, các luật sư đã chỉ ra những điểm không trùng khớp trong kết luận điều tra cũng như nội dung cáo trạng của các cơ quan tố tụng. Nhóm luật sư cho rằng hồ sơ vụ án mâu thuẫn, chứng cứ không đủ sức thuyết phục chứng minh bị cáo Lé giết người cũng như bị cáo Xem, Lếnkhông tố giác tội phạm. Vì vậy, chúng tôi đề nghị tòa hoãn phiên xử, trả hồ sơ điều tra lại”.
Ngày 1/7/2014, TAND tỉnh Sóc Trăng đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2 và khi phiên tòa chưa kết thúc, Viện KSND đề nghị rút hồ sơ điều tra lại. Phiên tòa được tạm hoãn cho đến ngày các bị cáo được cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng và Viện KSND tỉnh này phê chuẩn các quyết định “Tạm đình chỉ điều tra vụ án”, “Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn” và quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam sau 2 năm bị tam giam.
Mỏi mòn chờ rửa oan
Chiều 5/8, tiếp phóng viên trong căn nhà lá luôn ngập tràn gió biển, ông Phạm Văn Lé cho biết tâm trạng rất hạnh phúc khi vừa được thả tự do, gặp lại con cái và xóm giềng. Kể lại chuyện cũ, ông Lé không ngừng tố, lúc vào trại giam, các cán bộ “vận động” ông nhận tội để được giảm nhẹ hình phạt, đừng thuê luật sư tốn tiền, luật sư không can thiệp được gì.
Ngay con trai ông là Phạm Văn Thanh không biết gì về vụ việc cũng bị bắt giam hết 3 đêm 4 ngày mới được cho về. Ông Lé niềm nở rằng: “May mắn tôi không nghe họ. Nhờ luật sư, nhờ công luận tôi mới được thả, Bây giờ chỉ mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm sáng tỏ những oan sai của tôi, trả lại mọi quyền, lợi ích hợp pháp cho tôi”
Bà Đào Thị Quới (75 tuổi), mẹ ruột ông Lé nói trong nước mắt: “Tôi không liên quan gì, không biết gì hết. Thế nhưng khi xảy ra vụ việc, tôi cũng bị công an mời lên bắt “ở” lại đó 3 ngày. Thật phi lý”.
Ông Phạm Văn Lé chỉ vết u do bị chích điện |
Còn người ra đầu thú theo kết luận CQĐT, ông Phạm Văn Lến lại kể: “Tôi không đầu thú như công an kết luận. Khi xảy ra vụ việc, tôi theo mẹ lên công an phường rồi bị nhốt luôn”. Điều này thể hiện trong hồ sơ bởi ngày 9/9/2012 và 10/9/2012, Lến đã bị CQĐT triệu tập đến Phòng CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng lấy lời khai. Và 4 ngày sau thì CQĐT ra biên bản đầu thú.
Ông Lến khẳng định trong lúc được công an mời lên làm việc đã bị cán bộ điều tra đưa vào phòng đánh đập dã man: “Họ đánh vào cổ, nắm tóc đánh vào đầu, vào ngực rồi dùng giày đá vào ống chân nhiều cái liền buộc tôi phải nhận tội”, ông Lến bức xúc nói.
Như vậy, nguyên nhân nào khiến nạn nhân Mấu tử vong? Các bị cáo thực sự bị oan hay không? và nếu bị oan thì cơ quan nào sẽ phải bồi thường những thiệt hại họ đã gánh chịu?
Đó là những câu hỏi công luận đang chờ đợi các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng làm rõ./.