Khu di tích Trạng Trình là di tích quốc gia đặc biệt thứ hai của Hải Phòng được xếp hạng sau Quần đảo Cát Bà. Khu di tích bao gồm 9 hạng mục chính: Tháp bút Kình Thiên, Đền thờ Trạng Trình, nhà trưng bày, phần mộ các cụ thân sinh Trạng Trình, Am Bạch Vân, tượng Trạng Trình, Hồ Bán Nguyệt, Chùa Song Mai, Nhà Tổ của chùa có tượng thờ bà Minh Nguyệt, bia và quán Trung Tân.
Trong đó, nổi bật nhất là tượng Trạng Trình cao 5,7m, nặng 8,5 tấn bằng chất liệu đá Granit đúc, sừng sững, uy nghiêm tại Quảng trường khu di tích. Đền Trạng Trình được xem là điểm đến cho nhiều học sinh, sinh viên, sĩ tử tại Hải Phòng và các vùng lân cận để cầu tài, cầu tiến bộ trước những kỳ thi, sự kiện quan trọng.
Chùa Dư Hàng (Phúc Lâm Tự) tọa lạc tại phường Hồ Nam, quận Lê Chân, có nguồn gốc từ thời Tiền Lê (980 - 1009), được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 1986. Chùa Hàng không chỉ là một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng mà còn được nhiều phật tử miền Bắc biết tới bởi vị trụ trì tài giỏi là Thượng tọa Thích Quảng Tùng.
Chùa Hàng có kiến trúc kiểu chữ “đinh”, hai bên là nhà tổ, đằng trước có tam quan rất đẹp. Qua tam quan sẽ tới tòa Phật điện 7 gian với những hàng cột lim lớn đã ngả màu. Bên trong tòa Phật điện được trang trí bởi nhiều bức hoành phi, câu đối, cửa võng sơn son thếp vàng rực rỡ.
Gian tiền đường của tòa Phật điện được trang trí bằng nhiều mảng chạm khắc nổi trên cửa võng với nhiều mảng đề tài quen thuộc mang phong cách nghệ thuật triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX như: mai điểu, ngũ phúc, rồng mây… gửi gắm ước muốn “mưa thuận, gió hòa, cỏ cây tươi tốt” của người dân.
Đền Nghè (phường An Biên, quận Lê Chân) là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được xếp hạng từ năm 1986 thờ Nữ tướng Lê Chân - vị tướng giỏi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Bà Lê Chân quê gốc ở Đông Triều, Quảng Ninh, vì nợ nước, thù nhà, bà rời bỏ quê hương, khai khẩn vùng đất mới lập nên ấp An Biên – chính là Hải Phòng ngày nay.
Sau nhiều lần tu bổ, sửa chữa, Đền Nghè hiện nay vẫn giữ được phong cách kiến trúc thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX bao gồm: tam quan, toà bái đường, thiêu hương, hậu cung, giải vũ, nhà bia, nơi đặt tượng voi đá, ngựa đá và toà tứ phủ. Toà bái đường gồm 5 gian được nâng đỡ bởi 16 cột lim, kê trên 16 viên đá tảng đục đẽo công phu, tỉ mỉ. Chính giữa nóc nhà bái đường đắp nổi hàng chữ Hán lớn “An Biên cổ miếu”.
Hậu cung gồm 3 gian, xây cao hơn nhà bái đường với thiết kế kiểu 2 tầng mái. Nét đặc sắc của kiến trúc Đền Nghè là nghệ thuật chạm khắc trên gỗ, đá với long, ly, quy, phượng; tùng, cúc, trúc, mai... cực kỳ tinh xảo.