Lễ nhảy lửa xua đuổi tà ma của người Dao vùng Mẫu Sơn

(PLO) -Khi trong nhà có nhiều chuyện không may, người Dao Lù Gang tại vùng núi Mẫu Sơn (Cao Lộc, Lạng Sơn) sẽ tổ chức lễ nhảy lửa để xua đuổi tà ma, cầu điều tốt lành.

Thầy cúng phun dầu đốt cháy rơm tại trạm lửa để xua đi cái xấu, đuổi con ma ác cho người dân. Ảnh: Hồng Vân
Thầy cúng phun dầu đốt cháy rơm tại trạm lửa để xua đi cái xấu, đuổi con ma ác cho người dân. Ảnh: Hồng Vân
Người Dao Lù Gang trên núi Mẫu Sơn sống gắn bó với núi rừng và thờ cúng các vị thần bảo hộ cho cuộc sống, mùa màng. Mỗi khi trong nhà xảy ra chuyện chẳng lành, họ thường tìm đến nhờ thầy cúng làm lễ nhảy lửa, mời các thần xuống giúp con người xua đuổi cái xấu xa, đem về điều may mắn. 
Khi trong nhà có nhiều người ốm đau bệnh tật, tai nạn, mất mùa... người Dao tại vùng núi Mẫu Sơn lại tổ chức lễ nhảy lửa để xua cái xấu xa, cầu mong may mắn. Ảnh: Hồng Vân
Khi trong nhà có nhiều người ốm đau bệnh tật, tai nạn, mất mùa... người Dao tại vùng núi Mẫu Sơn lại tổ chức lễ nhảy lửa để xua cái xấu xa, cầu mong may mắn. Ảnh: Hồng Vân
Thầy cúng Dương Dì Tao (xã Công Sơn, huyện Cao Lộc) cho hay, lễ nhảy lửa của người Dao Lù Gang tại vùng núi Mẫu Sơn không phải năm nào cũng được tổ chức. Chỉ khi nào trong nhà có nhiều người ốm đau, bệnh tật, tai nạn, mất mùa, lợn gà chết..., gia chủ mới mời các thầy đến thực hiện nghi lễ.
Năm nay ông Dì Tao gần 60 tuổi nhưng từ khi bắt đầu hành nghề thầy cúng đến giờ các lễ nhảy lửa ông tham gia cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Buổi lễ gồm có 4 thầy, trong đó 3 thầy cúng và một thầy nhảy lửa. Theo quan niệm của người Dao, ngọn lửa mang sức mạnh diệt trừ yêu ma phá rối cuộc sống, đem lại may mắn, đầm ấm, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi.
Gia chủ chuẩn bị 3 bàn thờ, mỗi bàn phải có một cỗ xôi, con gà. Bàn thờ cao nhất là nơi thầy cúng hành lễ, thực hiện các thủ tục xin phép thần linh trên trời cho làm lễ nhảy lửa. Bàn cúng bên phải xin phép thổ công tại ngôi làng của 4 thầy. Bàn cúng bên trái để báo cáo tổ tiên 4 thầy phù hộ cho hoàn thành lễ nhảy lửa. Một thủ tục không thể thiếu là 3 thầy phải đọc bài cúng riêng xin phép “con ma” Lặp Pịa, là vị thần cai quản khu linh địa cổ Mẫu Sơn. 
Thầy cúng và thầy nhảy lửa nhảy chân trần trên đám than hồng rực. Ảnh: Hồng Vân
 Thầy cúng và thầy nhảy lửa nhảy chân trần trên đám than hồng rực. Ảnh: Hồng Vân
Trong khi đọc các bài cúng, thầy nhảy lửa sẽ ngồi riêng trên chiếc ghế. Lúc tiếng trống, chiêng, pí lè dồn dập, thôi thúc rộn ràng, người thầy rung lên mạnh dần như nhập đồng. Sau đó, tất cả thầy cúng và thầy nhảy lửa cùng những người đánh chiêng, gõ trống, thổi kèn đi vòng quanh 7 trạm dao. Vừa đi, thầy cúng vừa đọc bài cúng, làm phép vào mỗi trạm dao. 7 trạm này được dựng bằng tre trên khoảng sân rộng, mỗi trạm gồm 2 con dao buộc chặt vào nhau.
Đống củi to được nhóm lên đến khi cháy thành đống than rực hồng thì cũng là lúc bài cúng đã đọc hết, thầy nhảy lửa chuẩn bị làm nhiệm vụ. Dường như có một nguồn năng lượng đặc biệt giúp thầy nhảy lửa bật lên bằng hai chân và lao nhanh vào đống lửa, nhảy chân không trên đám than hồng rực. Tất cả 4 thầy đều lần lượt nhảy lửa, hất tung những viên than ra ngoài.
Đôi chân trần của họ đen nhẻm nhưng không hề bị thương, chảy máu. Tiếng trống, tiếng chiêng và kèn pí lè cổ vũ tăng thêm sức mạnh cho thầy nhảy lửa. Đám đông người đứng xem phía ngoài trầm trồ, thán phục. Thầy nhảy lửa cầm chiếc chiếu lăn qua nhiều lần trên đám than với ý nghĩa xua đuổi tà ma, không cho chúng lại gần con người.
Thầy nhảy lửa Hoàng Dàu Vảng (30 tuổi, xã Công Sơn) cho biết khi nhảy trên đám than hồng không hề thấy đau đớn hay lo ngại bỏng. “Các thần linh đã cho phép mình lao vào lửa, nhập vào mình để mình đuổi con ma xấu cho người dân đi nên không sợ lửa cháy nữa”, anh giải thích.
Sau khi đã hoàn tất nhảy lửa, mỗi thầy cầm trên tay một bó đuốc cùng chai dầu hỏa. Họ ngậm dầu phun mạnh vào bó đuốc đốt cháy rơm tại hai trạm dao đầu và cuối. “Các trạm dao như cổng nhà, đốt cháy đi rồi thì con ma xấu, điều xui xẻo không còn làm hại mình nữa, nó bị đuổi ra ngoài không thể vào nhà mình, sau này con người mới khỏe mạnh, mùa màng bội thu”, thầy cúng Dì Tao giải thích.
Lễ nhảy lửa của người Dao Lù Gang tại vùng Mẫu Sơn với nhiều công đoạn, kéo dài khoảng 2-3 tiếng. Buổi lễ kết thúc, mọi người đều vui vẻ vì “con ma” xấu không còn dám vào gần con người, tống tiễn mọi điều bất an, gia chủ thịt lợn, gà cảm ơn thần linh và mời thầy cúng, anh em, họ hàng chung vui.
Theo ông Đinh Văn Sa, Trưởng Ban quản lý khu du lịch Mẫu Sơn, lễ nhảy lửa của người Dao tại đây là phong tục văn hóa độc đáo, một hình thức sinh hoạt tâm linh vẫn được đồng bào lưu giữ, thỉnh thoảng tổ chức. Buổi lễ mang ý nghĩa cầu may mắn, bình an và hạnh phúc.

Đọc thêm