Đêm thiêng trong ngày xuân bắt chồng của tộc người “bí ẩn”

(PLO) - Khi đóa hoa Pơ lang đỏ rực trên những thân cây cao vút khắp đất trời Tây Nguyên cũng là lúc con ong vào mùa đi lấy mật, cùng khi ấy thiếu nữ ở khắp các bản làng của đồng bào Chu Ru (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) rộn ràng bước vào mùa “bắt chồng”.
Cô dâu chú rể uống rượu mừng hạnh phúc
Cô dâu chú rể uống rượu mừng hạnh phúc
Với họ, mùa xuân gõ cửa cũng đồng nghĩa với niềm vui nhân đôi ùa tới từng bản làng, ngõ xóm. Để có được tấm chồng tử tế có khi người phụ nữ Chu Ru phải năm lần, bảy lượt đến nhà trai cầu hôn. Trong đêm thiêng (đêm hội bắt chồng), nhân lúc buôn làng đã say giấc nồng, thiếu nữ Chu Ru cùng 10 người thân trong gia đình sẽ nhẹ nhàng đến nhà trai để “bắt chồng”.
Ngày xuân đến đại ngàn Tây Nguyên, cái nắng vàng óng ả chiếu vạt theo những sườn đồi trên cao nguyên càng khiến màu vàng của những rặng dã quỳ khắp nơi bừng thức một màu vàng rực như màu nắng mật. Xứ sở cái nắng, cái gió càng khiến cho loài hoa dại thêm nổi bật, màu hoa hòa quyện trong màu xanh của bạt ngàn rừng thông khiến cho đất trời và cảnh vật thêm duyên dáng. Cùng lâng lâng bên những ché rượu cần, khắp nơi rộn ràng lễ hội xuân - Lễ hội bắt chồng. 
Nhắc đến cái tên Chu Ru sẽ không ít người thắc mắc, tò mò về nguồn gốc kỳ bí của đồng bào dân tộc thiểu số này. Cất công tìm hiểu nền văn hóa và phong tục của họ, nhiều nhà nghiên cứu cũng phải ngỡ ngàng trước nguồn gốc “không rõ ràng” với nhiều điều “bí ẩn” cần lời giải đáp. Trong các dân tộc sinh sống trên cao nguyên ở Lâm Đồng, người Raglai và người Chu Ru cùng nói ngôn ngữ thuộc hệ Malayô-Pôlinêsia, điều này khác với nhóm người Mạ, Cơ Ho và M’nông nói ngôn ngữ thuộc hệ Môn-Khơ Me. 
Xét về thời gian xuất hiện, nếu như ở vùng duyên hải miền trung như Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận thì người Raglai có mặt cùng thời điểm với người Chăm. Còn trên mảnh đất Lâm Đồng, nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy tộc người bản địa xa xưa là người Mạ và người Cơ Ho, mãi sau này người ta mới thấy sự xuất hiện của tộc người Chu Ru.
Già Ma Jơn kể về nguồn gốc tổ tiên
Già Ma Jơn kể về nguồn gốc tổ tiên 
Nơi hợp lưu của hai dòng sông thơ mộng Đa Nhim và Krông Lét được người Chu Ru chọn làm nơi cư trú trên một lãnh thổ thống nhất. Theo ý nghĩ của nhiều người thì cộng đồng người Chu Ru vẫn ẩn chứa điều gì đó huyền bí và lạ kỳ. Nhiều người dân Chu Ru khi được hỏi đã thừa nhận rằng, họ có nguồn gốc tộc người là một bộ phận của đồng bào Chăm ở vùng đồng bằng ven biển lưu lạc lên cao nguyên miền Thượng. 
Huyền thoại của người Chu Ru kể: Ngày xưa, vua Chăm bắt mọi người lên rừng, lên suối tìm sản vật quý hiếm dâng vua. Vị quan chịu trách nhiệm thu của cải vì bất mãn nên không giao nộp cho nhà vua. Sợ quan quân của nhà vua đuổi giết nên vị quan này cùng những quân lính của mình chạy trốn lên tận cao nguyên xa xôi. Họ phiêu bạt khắp đó đây cho đến khi gặp những tộc Châu Mạ, Cơ Ho sinh sống trong những buôn làng trù phú. Gần gũi và sẻ chia với các dân tộc anh em và trải qua bao chặng đường lịch sử và quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, đồng bào Chu Ru vẫn giữ được những nét bản sắc riêng. Trong kho tàng giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, người Chu Ru có một nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng, đó là nghề chạm trổ kim hoàn.
Sau bữa cơm tối hôm đó, khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu về nguồn gốc lạ kỳ của người Chu Ru ở vùng đất này, già Ma Jơn (SN 1936, ngụ buôn Ma Lanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) cũng là người có uy tín trong làng kể lại: “Chuyện về nguồn gốc tổ tiên của người Chu Ru chúng tôi đúng là một câu chuyện dài, dài như con đường mà tổ tiên của người Chu Ru xa xưa đã đi. Qua những câu chuyện cổ mà cụ tổ già truyền lại cho con cháu và thế hệ sau này, cùng với những năm tháng phiêu bạt buôn bán hàng hóa khắp đó đây già được biết đồng bào Chu Ru là từ vương quốc Champa mà ra. Đó thực ra là câu chuyện của lịch sử, chẳng ai có thể nhớ nổi hết. Bản thân già cũng thấy rằng câu chuyện về nguồn gốc của tổ tiên mình vốn dĩ cũng còn nhiều bí ẩn mà không ai có thể biết đến”.
Từ những tài liệu của các nhà nghiên cứu cho thấy, người Chu Ru không phải là dân tộc có nguồn gốc bản địa như người Cơ Ho hay người Mạ, mà đó là từ dân tộc bản địa tách ra (bán bản địa). Nguồn gốc của dân tộc Chu Ru được bắt nguồn từ sự giao lưu giữa hai cộng đồng bản địa nói hai hệ ngôn ngữ khác nhau đó là người Chăm và người Cơ Ho. Trong sự giao lưu lâu dài đó một bộ phận người dần dần tách khỏi cộng đồng gốc của mình, họ tụ tập họp lại thành một nhóm người, chọn nơi sinh sống tách biệt. Quá trình này diễn ra một cách tự nhiên trong vài trăm năm, khi đã đến lúc chín muồi, họ tự nhận là một dân tộc riêng, rồi di cư đến một một vùng đất thích hợp. 
Nhưng cũng có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, người Chu Ru được tách ra từ một dân tộc riêng như dân tộc Chăm (nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Diệu), hoặc người Raglai (nhà nghiên cứu Mạc Đường). Bởi đặc điểm “nửa bản địa” của người Chu Ru được thể hiện trên nhiều mặt. Thứ nhất, họ nói cùng ngữ hệ với người Chăm, nhưng nhiều người Chu Ru rất thạo tiếng Cơ Ho-Mạ, do trong vốn từ ngữ, họ tiếp nhận nhiều từ gốc ở tiếng Cơ Ho-Mạ. Còn về mặt trình độ, người Chu Ru có sự phát triển trên một số mặt cao hơn người Mạ (ví dụ trồng lúa nước), và cũng có mặt cao hơn người Cơ Ho (giữ vai trò trung gian trong thông thương, buôn bán, trao đổi giữa các tộc người). Nhưng xét về bề mặt chung thì trình độ phát triển của người Chu Ru vẫn thấp hơn người Chăm. 
Trong các câu chuyện kể bên bếp lửa hằng đêm cho con cháu nghe của những già làng người Chu Ru, họ cũng tự nhận mình vốn là con cháu của người Chăm. Hiểu nôm na tộc danh Chu Ru có nghĩa là “lấn đất”. Điều đó giúp cho người ngoài hiểu rằng, người Chu Ru từ ngoài thiên cư đến. Những câu chuyện về nguồn gốc ấy đã ăn sâu vào trong tiềm thức của những người dân vùng đất này như những câu chuyện cổ được lưu truyền theo thời gian. Còn trong ngôn ngữ Malayô-Pôlinêsia, “Chu Ru” có nghĩa là “chiếm đất”. 
Tuy nhiên, xét về lôgic thời gian thì từ xa xưa đã có sự gắn kết vững bền giữa cộng đồng Chăm và Cơ Ho-Mạ. Rất có thể, người Chu Ru đã làm cầu nối cho những cộng đồng trên, và đến một lúc nào đó họ mới tự tách ra và nhận là một dân tộc riêng. 
Chính vì thế, khi quan sát trang phục của người Chu Ru và người Chăm, hẳn nhiều người sẽ giật mình vì sự giống nhau. Vậy đã có mối liên hệ gì giữa những cư dân sống trên cao nguyên với những người định cư ở vùng duyên hải Nam Trung bộ? Nếu như các thiếu nữ Chu Ru nổi bật giữa cao nguyên với chiếc khăn màu trắng được quấn từ trước ra sau, rồi vòng qua vai, tạo thành chiếc áo với những đường chỉ thướt tha rủ xuống 2 ống tay. Dải hoa văn dệt bằng chỉ đỏ chạy dọc mép khăn làm cho chiếc áo càng nổi bật trên chiếc váy màu đen. Thì các chàng trai Chu Ru choàng một tấm khăn chéo qua người hoặc mặc áo dài màu đen, váy trắng, đầu quấn khăn trắng. Chiếc khăn trắng với 2 dải tua rua rủ xuống hai bên tai của người Chăm cũng y hệt như vậy. 
Trang phục của người Chu Ru không chỉ giống người Chăm mà còn giống với người Cơ Ho sống trên cùng địa bàn. Đó chính là sự kết hợp trang phục giữa người Cơ Ho và người Chăm. Khăn trắng, khăn choàng trắng, mũ trắng (màu trắng là của người Chăm-PV). Còn màu đen và màu nâu là của người Cơ Ho. Hoa văn trên váy cũng có nét rất giống với những trang phục của người Cơ Ho. Lý giải về sự giống nhau giữa trang phục của người Chu Ru và người Cơ Ho, một nhà nghiên cứu cho rằng, người Chu Ru ở Lâm Đồng không có nghề dệt vải, lại sống bên cạnh làng người Cơ Ho, họ thường xuyên trao đổi hàng hóa với người Cơ Ho. Đúng như vậy thì chuyện trang phục na ná giống nhau cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng có điều người Chu Ru sống ở phía Nam cao nguyên Lâm Viên rộng lớn, nằm trên độ cao cả nghìn mét lại mặc váy giống người Chăm, quấn khăn giống người Chăm? Tất cả những điều nói trên chỉ là những giả thiết và chưa có những cứ liệu khoa học xác đáng để chứng minh. Đó cũng chính là điều thú vị đã khiến nhiều nhà nghiên cứu vào cuộc tìm hiểu để làm rõ ngọn ngành...
Còn nữa...