3 ứng viên vaccine COVID-19 'made in Vietnam' hiện ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mới đây, Bộ Y tế đã báo cáo về tình hình nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 trong nước và chỉ có vaccine ARCT-154 đang được tiến hành xem xét, cấp phép lưu hành.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, ứng viên vaccine NanoCovax đã tiến hành đánh giá 3 giai đoạn đang hoàn thiện báo cáo kết quả giữa kỳ giai đoạn 3, tiếp tục triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 theo đề cương nghiên cứu đến tháng 2/2023.

Ứng viên vaccine COVIVAC đã tiến hành đánh giá qua 2 giai đoạn và đang tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, các đơn vị liên quan, triển khai các hoạt động nghiên cứu tiếp theo.

Ứng viên vaccine ARCT-154 đã tiến hành đánh giá qua 3 giai đoạn và đang tiến hành xem xét, cấp phép lưu hành vaccine ARCT-154 theo quy định. Các tổ chức nhận thử và nhóm nghiên cứu đang tiếp tục triển khai nghiên cứu giai đoạn 3 theo đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Bộ Y tế cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình nghiên cứu, đánh giá hiệu quả miễn dịch của vaccine COVID-19. Theo đó, Việt Nam đang tiến hành 7 nghiên cứu đánh giá hiệu quả bảo vệ, đáp ứng miễn dịch của vaccine COVID-19, trong đó 1/7 nghiên cứu đã hoàn thành và đang hoàn thiện báo cáo, 6/7 nghiên cứu đang trong thời gian triển khai.

Hiện nay, chưa có các kết quả nghiên cứu chính thức về miễn dịch bảo vệ sau tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam, tuy nhiên có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả bảo vệ sau tiêm vaccine COVID-19 để tham khảo và triển khai các hoạt động phòng chống dịch đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Theo đó, hiệu quả của vaccine sau tiêm mũi 3 ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tử vong đạt khoảng 86% (ở tháng thứ nhất). Hiệu quả này giảm dần sau 6 tháng và giảm mạnh từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 (hiệu quả bảo vệ ở tháng thứ 6 còn khoảng 70%). Sau khi tiêm mũi 4 giúp tăng khả năng ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện, tử vong khoảng từ 9% đến 28% so với tiêm mũi thứ 3.

Hầu hết các nghiên cứu có nhận định rằng tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với dịch COVID-19, chưa thể xác định việc thanh toán cũng như loại trừ dịch COVID-19. Do đó, chưa thể xác định tỷ lệ phủ vaccine mũi 3, mũi 4 cần đạt là bao nhiêu và có cần tiêm mũi tiếp theo hay không.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 100% các đối tượng có nguy cơ cao (cả liều cơ bản và các liều tiêm nhắc), sau đó mở rộng tiêm cho các đối tượng ưu tiên thấp hơn để giảm thiểu bệnh nặng và tử vong do COVID-19 vẫn là chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn bình thường mới.

Mới đây, WHO cũng tiếp tục khuyến cáo các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2. Các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.

Về việc tiêm vaccine COVID-19 cho người dân, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch. Đồng thời kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế...

Đọc thêm