PV: Được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 1993, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức đào tạo khoá sau đại học đầu tiên. Thưa TS. Đoàn Trung Kiên, được biết, 30 năm qua cũng là chặng đường ghi nhận nhiều thành tích trong đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội, ông có thể cho biết một số thành tựu nổi bật của Nhà trường?
- Năm 1992 Trường Đại học Luật Hà Nội bắt đầu được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thực hiện đào tạo đối với 04 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ theo Quyết định số 1957/QĐ-SĐH ngày 21/9/1992 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 1993, Trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo khoá thạc sĩ đầu tiên. Đến năm 1994, Trường tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo 04 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ (gồm Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; Luật dân sự; Luật hình sự; Luật kinh tế) theo Quyết định số 5709/GD-ĐT ngày 20/8/1994 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2004, Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành thạc sĩ, tiến sĩ Luật quốc tế, đồng thời tách chuyên ngành Tội phạm học và điều tra tội phạm từ chuyên ngành Luật hình sự để trở thành một chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ độc lập. Các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ Luật hành chính, Luật hiến pháp tiếp tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2008 và 2009.
Năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành Quyết định số 4710/QĐ-BGDĐT ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chuyển đổi các chuyên ngành đào tạo đã được giao Trường Đại học Luật Hà Nội sang Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (ban hành theo Thông tư số 04/2012/TT-BGDĐT), theo đó tên các chuyên ngành đào tạo mới trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sau chuyển đổi của Trường Đại học Luật Hà Nội bao gồm:
Đối với trình độ thạc sĩ: Chuyên ngành Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật (mã số 60380101); chuyên ngành Luật hiến pháp và luật hành chính (mã số 60380102); chuyên ngành Luật dân sự và tố tụng dân sự (mã số 60380103); chuyên ngành Luật hình tự và tố tụng hình sự (mã số 60380104); chuyên ngành Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (mã số 60380105); chuyên ngành Luật kinh tế (mã số 60380107); chuyên ngành Luật quốc tế (mã số 60380108);
Đối với trình độ tiến sĩ: Chuyên ngành Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật (mã số 62380101); chuyên ngành Luật hiến pháp và luật hành chính (mã số 62380102); chuyên ngành Luật dân sự và tố tụng dân sự (mã số 62380103); chuyên ngành Luật hình tự và tố tụng hình sự (mã số 62380104); chuyên ngành Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (mã số 62380105); chuyên ngành Luật kinh tế (mã số 62380107); chuyên ngành Luật quốc tế (mã số 62380108).
|
Đến nay, Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo luật duy nhất ở Việt Nam đã được giao nhiệm vụ đào tạo đầy đủ cả 07 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 07 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ theo Danh mục ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để đáp ứng mục tiêu cải cách tư pháp của Trung uơng và yêu cầu của xã hội, Trường đã thực hiện định kỳ cập nhật, sửa đổi, bổ sung để các chương trình đào tạo sau đại học ngày càng hoàn thiện hơn.
Năm 2022, Trường Đại học Luật Hà Nội đã xây dựng và ban hành đồng bộ 20 chương trình đào tạo sau đại học (trong đó bao gồm 07 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu; 06 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng và 07 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ). Các chương trình đào tạo này đều bám sát quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT về Chuẩn chương trình đào tạo.
Trong suốt quá trình 30 năm đào tạo sau đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội luôn chú trọng hoàn thiện, đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy; xây dựng hệ thống thể chế và tổ chức bộ máy quản lý; phát triển đội ngũ giảng viên; tăng cường nghiên cứu khoa học và mở rộng hợp tác quốc tế; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và hệ thống học liệu… Với thế mạnh là đội ngũ giảng viên chất lượng cao gồm 315 giảng viên cơ hữu (trong đó có 03 giáo sư, 30 phó giáo sư, 103 tiến sĩ) và 178 giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy sau đại học ở tất cả các ngành đào tạo, đặc biệt trong đó có nhiều giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng là những nhà khoa học đầu ngành có uy tín, có nhiều công trình công bố quốc tế và có thời gian công tác lâu năm trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến pháp luật, hoạt động đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào.
Kể từ khi được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học, trong 30 năm qua, Trường đã tuyển sinh và đào tạo trong nước 31 khóa đào tạo thạc sĩ, trong đó có 28 khóa thạc sĩ đã tốt nghiệp. Trường đã đào tạo hoặc phối hợp đào tạo và cấp bằng thạc sĩ cho 4.501 học viên cao học đã tốt nghiệp. Đối với công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ trong nước, Trường đã tổ chức được 29 khóa đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó có 25 khóa nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp. Tổng số nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ tính đến hết tháng 7/2023 là 316 người.
Song song với đào tạo trong nước, Trường đã triển khai một số dự án hợp tác quốc tế về đào tạo sau đại học, trong đó điển hình là dự án đào tạo 02 khóa học thạc sĩ với Trường Đại học Lund (Vương quốc Thụy Điển), 02 khóa đào tạo thạc sĩ với Trường Đại học Paris II (Cộng hòa Pháp), 03 khóa đào tạo thạc sĩ với Trường Đại học Tây Anh quốc (Vương quốc Anh). Ngoài ra, Trường cũng phối hợp với Trường Đại học Lund của Vương quốc Thụy Điển tổ chức 01 khóa đào tạo trình độ tiến sĩ theo mô hình liên kết với nước ngoài. Đặc biệt, Trường đã tiếp nhận, tổ chức đào tạo hơn 300 học viên cao học và nghiên cứu sinh cho một số quốc gia như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... trên cơ sở đó nhằm góp phần thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong chính sách ngoại giao và phát triển các quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam.
Cùng với đào tạo đại học, kết quả đào tạo sau đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội đã góp phần không nhỏ trong xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ pháp luật cho đất nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Nhiều cựu học viên sau đại học của Trường đã và đang giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương và địa phương; đã và đang là các nhà giáo, nhà nghiên cứu, các luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, doanh nhân... danh tiếng của đất nước. Với kết quả đào tạo được đánh giá cao, Trường đã có những đóng góp to lớn vào việc phát triển khoa học pháp lý; xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật ở Việt Nam và tham gia tích cực vào hoạt động hỗ trợ pháp luật cho các nước bạn trong khu vựcĐông Nam Á.
PV: Thưa TS. Đoàn Trung Kiên, Quyết định số 1156/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật đã đặt ra nhiều mục tiêu cho hoạt động đào tạo nói chung và đào tạo sau đại học nói riêng, ông có thể cho biết thêm về các mục tiêu cũng như định hướng phát triển hoạt động đào tạo sau đại học?
Hoạt động đào tạo nói chung và đào tạo sau đại học nói riêng của Trường Đại học Luật Hà Nội đang đứng trước sự cạnh tranh ngày càng lớn của thị trường đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay (tính đến tháng 9/2023, Việt Nam có hơn 100 cơ sở đào tạo ngành luật), các tiêu chuẩn ngày càng cao của công tác kiểm định chất lượng và các yêu cầu cấp bách của hội nhập khu vực, quốc tế. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo sau đại học cũng đặt ra các yêu cầu nội tại để khắc phục những hạn chế, tạo sự chuyển biến, bứt phá.
Tuy nhiên, với nền móng vững chắc được các thế hệ cán bộ, viên chức của Trường xây dựng, vun đắp và sự tin tưởng của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong Đề án 1156, Trường Đại học Luật Hà Nội xác định tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo sau đại học trong những năm tiếp theo với các mục tiêu và định hướng cụ thể sau:
Thứ nhất, về phát triển các ngành đào tạo sau đại học
Để bám sát mục tiêu Chiến lược phát triển Trường đến năm 2030 là xây dựng Trường thành cơ sở đào tạo luật định hướng nghiên cứu, Trường tập trung điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo hướng ưu tiên tuyển sinh và đào tạo cao học theo định hướng nghiên cứu, đồng thời tiếp tục duy trì tuyển sinh và đào tạo cao học theo định hướng ứng dụng đối với những ngành có số lượng thí sinh dự tuyển đông, thường xuyên tuyển hết chỉ tiêu đã thông báo.
Thứ hai, về phát triển chương trình đào tạo
Trong thời gian tới Trường sẽ tập trung phát triển các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín của nước ngoài, kết hợp xây dựng một số chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bằng tiếng Anh để nâng cao khả năng hội nhập quốc tế về chương trình đào tạo, trong đó có đào tạo sau đại học. Bên cạnh đó, Trường cũng tập trung toàn lực để thực hiện công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tuân thủ quy định về đảm bảo chất lượng giáo dục của Chính phủ, từ đó nâng cao uy tín và hình ảnh của Trường.
Thứ ba, về phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học tham gia đào tạo sau đại học
Trong thời gian tới Trường sẽ tập trung áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút giảng viên có trình độ cao, có chức danh khoa học về làm việc cho Trường; có cơ chế hỗ trợ giảng viên chuẩn bị điều kiện và làm thủ tục đề nghị Nhà nước công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư; có chính sách hỗ trợ, đồng thời bắt buộc các giảng viên cơ hữu tham gia đào tạo sau đại học phải có công trình khoa học đủ tiêu chuẩn được công bố để từ đó có thể tham gia hướng dẫn luận văn, luận án và tham gia các Hội đồng chấm luận văn, luận án.
|
Cùng với đó, Trường cũng sẽ tập trung cải thiện chất lượng công tác quản lý hồ sơ giảng viên, đảm bảo tính khoa học, chuyên nghiệp, đúng nguyên tắc và phù hợp với pháp luật, tổ chức đánh giá giảng viên tham gia đào tạo sau đại học theo đúng yêu cầu của công tác đảm bảo chất lượng đào tạo.
Thứ tư, về xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo sau đại học
Điểm nhấn trong chính sách về phát triển cơ sở vật chất của Trường thời gian tới là tập trung cải thiện môi trường làm việc, học tập, nghiên cứu cho giảng viên và người học; đẩy mạnh thực hiện Đề án chuyển đổi số để tạo bước đột phá về công nghệ trong quản lý đào tạo; tiếp tục hoàn thiện hệ thống học liệu theo hướng xây dựng, phát triển nguồn tài nguyên học liệu mở dựa trên nền tảng chuyển đổi số, giúp giảng viên và người học tiếp cận gần hơn, thuận lợi hơn với nguồn tài nguyên học liệu điện tử của Trường.
Thứ năm, về phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong đào tạo sau đại học
Trong thời gian tới, Trường có kế hoạch, giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và người học sau đại học theo hướng gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với hoạt động đào tạo; đa dạng hóa các hình thức, phương thức tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và người học sau đại học; tạo các diễn đàn nghiên cứu học thuật cho nghiên cứu sinh và học viên cao học tham gia sâu hơn vào các hoạt động khoa học, công nghệ do Trường tự tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.
Bên cạnh đó, Trường cũng chủ động tìm kiếm, khai thác các dự án, đề án hợp tác quốc tế về đào tạo sau đại học trong thời gian tới với các đối tác truyền thống và đối tác mới, theo hướng chú trọng hợp tác về xây dựng, phát triển chương trình đào tạo; tổ chức đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; trao đổi giảng viên và người học sau đại học; tổ chức các hoạt động nghiên cứu chung về những vấn đề/chủ đề mà các bên cùng quan tâm.
Thứ sáu, về công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo
Để tiếp tục duy trì thương hiệu và nâng cao hình ảnh, uy tín của Trường trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với các cơ sở đào tạo luật khác, Trường cần tập trung nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào, kết hợp với nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện môi trường làm việc, học tập, nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên và học viên, nghiên cứu sinh.
Bên cạnh đó, Trường cũng cần nhận diện đầy đủ, khách quan, chính xác những tồn tại, hạn chế trong công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo sau đại học để kịp thời khắc phục trong thời gian tới với quyết tâm chính trị cao nhất của tập thể lãnh đạo Trường và toàn thể viên chức, người lao động, vì mục tiêu phấn đấu xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật cho đất nước, như Đề án 1156 đã khẳng định.
Xin trân trọng cảm ơn ông!