30/4 trong hồi ức của vị Tướng anh hùng

(PLO) - Tướng Phạm Xuân Thệ (Nguyên tư Lệnh Quân khu 1) là người được lịch sử biết đến là người đã áp giải Tổng thống VNCH Dương Văn Minh ra đài phát thanh Sài Gòn để đọc tuyên bố đầu hàng. Qua hồi ức của ông, những ngày tháng tư oanh liệt cách đây gần 4 thập kỷ như với mới xảy ra ngày hôm qua.
Những chiến thắng oanh liệt
Trung tướng Phạm Xuân Thệ, sinh năm 1947, tại Kim Bảng, Hà Nam, hiện nay hai vợ chồng ông sống ở số 89 Nguyễn Hoàng Tôn, Tây Hồ, Hà Nội. Ông Nhập ngũ ngày 5/8/1967, nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, Thiếu tướng - Tư lệnh Quân đoàn 2, Trung tướng - Tư lệnh Quân khu 1 và nghỉ hưu năm 2008. Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý như Huân chương Chiến công Giải phóng hạng 3, Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhất, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng. Tháng 4/2011, ông được phong tặng Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
 Chiến dịch Thượng Đứ
Nhắc đến những ngày đầy tiếng đạn, tiếng bom nhưng rất đỗi hào hùng, tự hào ấy, Trung tướng Phạm Xuân Thệ (Nguyên Tư lệnh Quân khu 1) vẫn cảm thấy như sự kiện vĩ đại vừa mới diễn ra ngày hôm qua mà thôi. Sau chiến thắng oanh liệt đó, Trung tướng Phạm Xuân Thệ được cả thế giới biết đến là người đã áp giải Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đi đến đài phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng. 
Sinh ra trong 1 gia đình nghèo tại Kim Bảng, Hà Nam, năm 1967, khi mới 20 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Xuân Thệ đã xách ba lô ra chiến trường phục vụ cho lý tưởng cao đẹp chống Mỹ cứu nước. 
Trong những năm tháng nếm mật nằm gai trải dọc Trường Sơn giải phóng dân tộc,  kí ức sâu sắc nhất của Tướng Thệ là trận đánh chiếm Thượng Đức (nay là huyện Đại Lộc, Quảng Nam). 
“Năm 1974, khi đó tôi đang là trung đoàn phó của Trung đoàn 66 thuộc sư đoàn 304 của quân đoàn 2. Khoảng tháng 7/1974, chúng tôi nhận được lệnh từ Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 vào mặt trận Quảng Đà, cùng các đơn vị thuộc Quân khu 5 tiến đánh và giải phóng quận lỵ Thượng Đức. Thượng Đức lúc đó được Tỉnh trưởng Quảng Nam mệnh danh là "Cánh cửa thép" của Đà Nẵng, còn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của chính phủ Sài Gòn thì ví căn cứ này là "Mắt ngọc của đầu rồng". – Tướng Thệ kể lại.
Khi đó quân ta phải đánh mấy đợt mới chọc thủng được “mắt ngọc” Thượng Đức. Mặc dù quân Mỹ rất mạnh, tung cả sư đoàn dù tinh nhuệ, thủy quân lục chiến, nhưng cũng không có phản ứng gì. Sau 10 ngày chiến đấu kiên cường và ác liệt (ngày 29/7/1974 đến 7/8/1974), địch bị tiêu diệt hơn 2000 quân.
Đầu năm 1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn, sau khi quân ta giành thắng lợi, Bộ chính trị và Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng. 
Đến 29/3/1975 đơn vị Tướng Thệ lại tiến vào đánh chiếm sân bay Đà Nẵng và giải phóng TP. Đà Nẵng, rồi tiếp tục chiến đấu để giải phóng các tỉnh còn lại ở miền Trung. Ngày 10/4/1975, nhận được lệnh Tướng Thệ cùng đoàn quân hành quân vào phía Nam, đảm nhiệm tiến công chiến dịch Huế - Đà Nẵng.
Tiếp đó, khi nhận nhiệm vụ ở chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 2 thành lập một binh đoàn thọc sâu, trung đoàn 66 cùng các đơn vị tiến đánh căn cứ Nước Trong, Long Thành, Cát Lái. Chiều 27/4/1975, quân ta đánh chiếm căn cứ Nước Trong. Đến gần trưa hôm sau, quân ta hoàn toàn làm chủ căn cứ Nước Trong. Đây là trận đánh quan trọng góp phần đưa các binh đoàn của ta tiến vào áp sát Sài Gòn. Mục tiêu cuối cùng là Dinh Độc lập, Đài phát thanh Sài Gòn và Bộ Tư lệnh Hải quân quân đội Sài Gòn.
Ký ức hào hùng
Ngày 29/4, binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 gồm: Trung đoàn 66, Lữ đoàn xe tăng 203, pháo binh, công binh, đặc công và các binh chủng phục vụ củng cố lực lượng, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để tiến đánh vào Sài Gòn. 17h ngày 29/4, 400 xe của binh đoàn hành quân vào nội đô, đến gần 24 giờ mới đến được cầu Xa Lộ, vượt qua đầu cầu Xa Lộ đến ngã tư Thủ Đức.
Đến khoảng 5h30 sáng ngày 30/4, quân ta tiến đến Cầu Sài Gòn, khi đó  Tướng Thệ được bộ chỉ huy sư đoàn giao nhiệm vụ đi đầu để chỉ huy binh đoàn thọc sâu, lực lượng gồm tiểu đoàn 7, trung đoàn 66, tiểu doàn xe tăng, tăng thiết giáp và một số binh chủng bảo đảm.
Đến cầu Sài Gòn thì quân ta bị chặn, Tướng Thệ đã triển khai đội hình chiến đấu, điều pháo 85, các lò hỏa lực lên, địch cũng chống cự rất quyết liệt. Tuy nhiên, quân ta bắn cháy được 2 xe tăng M41, ngay bên này đầu cầu Sài Gòn, phía quân ta thiệt hại 2 xe tăng cũng bị cháy và 10 đồng chí đã hi sinh. Đặc biệt là đồng chí Ngô Văn Nhỡ - Tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn xe tăng của lữ đoàn xe tăng 203 hi sinh trên tháp pháo.
 Tướng Phạm Xuân Thệ và bức ảnh về thời khắc đáng nhớ 
Sau 40 phút chiến đấu, địch bị bắn cháy 4 chiếc M41, phá hủy một số ụ súng lô cốt bên kia cầu Sài Gòn, bắn cháy 2 chiếc tàu chiến. Sau đó quân ta đã chiếm giữ cầu Sài Gòn, tiếp tục thọc sâu vào nội đô, do không biết đường nên khi đến ngã tư hàng Xanh phải hỏi đường người dân để tiến vào dinh độc lập. 
Khi đến cổng Dinh Độc Lập, xe tăng thứ nhất do anh Bùi Quang Thận chỉ huy húc vào cánh cổng bên trái của cổng chính Dinh Độc Lập và mắc kẹt không vào được. Xe tăng thứ hai do anh Lê Đăng Toàn chỉ huy húc tung cánh cổng chính tiến vào sân. Tướng Thệ đi trên chiếc xe Jeep 2 vào trong Dinh Độc Lập. Mục đích là đánh chiếm được địa điểm nào thì cắm cờ ở đó, lúc này quân ta chưa biết chính quyền Dương Văn Minh vẫn ở trong đó.
Tiến vào Dinh Độc Lập để cắm cờ, lên hết cầu thang tầng 1, Tướng Thệ và đồng đội gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh, ông ấy nói: "Tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho Tổng thống Dương Văn Minh. Toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh đang ngồi trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc".
“Ông Nguyễn Hữu Hạnh dẫn chúng tôi đến một cửa phòng họp, có khoảng 40 – 50 người, khi đó họ đứng tất cả dậy, ông Hạnh giới thiệu đây là Tổng thống Dương Văn Minh và và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Tổng thống Dương Văn Minh nói: "Chúng tôi đã biết quân giải phóng tiến quân vào nội đô và đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao". Nhưng tôi kiên quyết nói: "Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả". – Tướng Phạm Xuân Thệ bồi hồi nhớ lại.
Sau khoảng 30 phút ông Thệ dẫn Dương Văn Minh và và Vũ Văn Mẫu ra đài phát thanh Sài Gòn để đọc tuyên bố đầu hàng. Như vậy, chiến dịch Hồ Chí Minh đã thắng lợi, miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất.
Khi hỏi về cảm xúc của Trung tướng Phạm Xuân Thệ trong thời khắc chiến thắng ngày 30/4/1975, ông cho biết: Tôi vừa thấy vui và cảm thấy buồn. Vui vì đất nước đã thống nhất, bản thân được tham gia chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, những giây phút quan trọng nhất của trong chiến thắng. Nhưng cũng thấy buồn có những đồng đội đã hy sinh khi nhiều đồng đội đã hi sinh khi giây phút chiến thắng cận kề.
Câu chuyện của Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể lại khiến cho ai nghe cũng phải xúc động. Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt mới thấy ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, mới cảm nhận hết giá trị của những năm tháng hoà bình và sự thống nhất đất nước. 

Đọc thêm