Những ngày cuối tháng Tư, hòa chung trong không khí tưng bừng, hào hùng tại TP HCM, Thủ đô Hà Nội cũng khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ. Cờ đỏ sao vàng, pano, áp phích về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước hiện diện trên nhiều con phố của Thủ đô, tạo nên không khí rộn ràng, náo nức. Người dân Hà Nội trong những bộ trang phục đẹp đẽ và chỉnh tề, nô nức cùng gia đình, bạn bè tìm đến những địa điểm thiêng liêng như Lăng Bác, hay tìm đến những con phố rực rỡ cờ hoa để ghi lại những khoảnh khắc ý nghĩa, bày tỏ tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc...
Từng có thời gian công tác trong quân ngũ, bà Bùi Thị Tuyết Lan (54 tuổi, Hà Nội) không giấu được cảm xúc về dấu mốc lịch sử 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: "Tôi rất tự hào mình là người Việt Nam và càng tự hào hơn khi từng được khoác lên mình bộ quân phục, góp một phần nhỏ cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước".
Là thế hệ quân nhân sau ngày giải phóng, trong những năm tháng công tác, bà Tuyết Lan đã được thế hệ đi trước kể lại những câu chuyện hào hùng và nhớ mãi bức điện lịch sử "Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Những lời kể ấy như tiếp thêm ngọn lửa yêu nước, yêu nghề và niềm tự hào dân tộc.
"Đất nước Việt Nam vô cùng tươi đẹp, hãy luôn tự hào mình là người Việt Nam. Khi đã có niềm tự hào dân tộc, thế hệ trẻ cần ra sức giữ gìn và phát huy những truyền thống quý báu của ông cha, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, vững mạnh", bà Tuyết Lan nhắn nhủ.
![]() |
Bà Tuyết Lan cùng những người bạn trong quân ngũ cùng nhau đi chụp ảnh lưu niệm dịp 30/4/2025. |
Là thành viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), bà Trần Thị Phúc (65 tuổi) vô cùng phấn khởi cùng các thành viên trong Hội đồng diễn dân vũ để chào mừng ngày lễ 30/4. Sau màn biểu diễn, họ cùng nhau chuẩn bị cờ, hoa, khoác lên mình những tà áo dài cờ đỏ sao vàng, rồi tới Hồ Hoàn Kiếm để chụp ảnh lưu giữ những khoảnh khắc ý nghĩa.
Trong không khí hân hoan của cả nước, cá nhân bà Phúc dâng trào một niềm xúc động khó tả. Ký ức 50 năm trước ùa về thời điểm những ngày đất nước vừa thống nhất, bà may mắn được tham gia các hoạt động văn nghệ cổ động, hát vang những bài ca mừng chiến thắng. "Đến giờ tôi vẫn nhớ như in bài hát đó mang tên 'Bài ca dâng Bác', tôi được ngồi trên xe jeep đi khắp thị xã để hát bài đó", bà Phúc hồi tưởng.
Bà chia sẻ thêm: "Năm ngoái, tôi cũng được trải qua không khí Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô - một không khí hào hùng, phấn khởi tự hào. Đến năm nay, được lại trải qua không khí Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong thời khắc đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc lại mang đến một cảm xúc rất khác. Tôi tự hào, mãi mãi tự hào 'Việt Nam mãi đỉnh'.
![]() |
Bà Trần Thị Phúc trong tà áo dài mang biểu tượng của dân tộc chụp ảnh lưu niệm với Tháp Rùa. |
Những ngày qua, khi xem những thông tin về lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chị Trần Thu Hà (Thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng cảm thấy vô cùng hào hứng, phấn khởi. Không có cơ hội vào miền Nam, chị lên kế hoạch ở Hà Nội để cảm nhận không khí.
"Sáng sớm nay, tôi bắt xe buýt từ nhà sang nội thành Hà Nội để thực hiện bộ ảnh để lưu giữ kỷ niệm nhân dịp Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dự kiến hôm nay, chúng tôi sẽ di chuyển đến Hồ Gươm, Lăng Bác, Cột cờ Hà Nội và những địa điểm nổi tiếng khác để chụp ảnh. Chứng kiến nhiều thay đổi của đất nước, tôi mong đất nước ngày càng phát triển, mong con cháu của mình luôn được hưởng nền hòa bình độc lập vì hòa bình đẹp lắm!", chị Hà bày tỏ.
![]() |
Chị Trần Thu Hà (bên trái) cùng bạn. |
Bà Trần Thị Thành (60 tuổi, Ba Đình) cùng bạn là bà Nguyễn Tuyết Lan (55 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) khoác lên mình tà áo dài truyền thống, lên Hồ Gươm để hòa vào không khí rộn ràng tại đây.
"50 năm qua, đất nước mình ngày càng phồn vinh. Chúng tôi quyết định thực hiện bộ ảnh vào dịp này để lưu lại, chờ đến Lễ kỷ niệm 60 năm, 70 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… ngắm lại, thấy đất nước mình thay đổi nhiều như thế nào. Tôi tin đất nước tiếp tục phát triển hơn nữa", bà Thành nói.
![]() |
Bà Thành và bà Tuyết trước Cột cờ Hà Nội. |
Khác thế hệ của bà Tuyết Lan, bà Thành hay bà Phúc..., Lê Phương Trang (20 tuổi, sinh viên Học viện Hành chính và Quản trị công) cũng có những cảm nhận đặc biệt về không khí Lễ 30/4. Dù chỉ biết đến chiến tranh qua sách vở, qua các kênh thông tin, nhưng Trang luôn tự hào về lịch sử dân tộc và biết ơn sự hy sinh, mất mát của thế hệ đi trước để đổi lại nền hòa bình cho dân tộc.
Tranh thủ cuối tuần nghỉ học, Trang cùng bạn đi chụp ảnh ở những địa điểm nổi tiếng của Hà Nội để hưởng ứng xu hướng thể hiện lòng yêu nước của giới trẻ qua các trang mạng xã hội.
![]() |
Lê Phương Trang, sinh viên Học viện Hành chính và Quản trị công |
"Khi xem những hình ảnh, video về hoạt động diễu binh, diễu hành tại TP HCM, bản thân em thấy rất hào hứng, mong muốn được vào đó để hòa chung không khí chào mừng. Tại Hà Nội, bọn em cũng có nhiều cách khác nhau để thể hiện tình yêu đất nước. Em luôn tin rằng, đất nước sẽ có nhiều đổi mới, kinh tế phát triển và đặc biệt là sẽ luôn được sống trong hòa bình. Là thế hệ trẻ của đất nước, bản thân em tự nhắc nhở phải nỗ lực, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập để góp chút sức nhỏ của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước", Phương Trang bộc bạch.