30/6 phải hoàn thành hồ sơ nhập tịch cho người không quốc tịch

Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 là quy định của Điều 22 về việc giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam đối với người không quốc tịch đã cư trú ổn định tại Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật có hiệu lực thi hành.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 là quy định của Điều 22 về việc giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam đối với người không quốc tịch đã cư trú ổn định tại Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật có hiệu lực thi hành. Hiện nay, các cơ quan chức năng, trong đó Bộ Tư pháp giữ vai trò chủ trì, vẫn đang tích cực triển khai thực hiện quy định trên để đảm bảo tiến độ giải quyết xong vấn đề trên vào cuối quý II năm 2012.

Tiếp dân làm thủ tục hộ khẩu, hộ tịch. Ảnh MH
Tiếp dân làm thủ tục hộ khẩu, hộ tịch. Ảnh: MH

Phức tạp trong quản lý cư dân

Người không quốc tịch, người không rõ quốc tịch nước nào, cư trú trên lãnh thổ nước ta đã có từ lâu và tồn đọng từ nhiều năm nay. Số cư dân này chủ yếu tập trung ở một số tỉnh, thành phố miền Đông và Tây Nam bộ (một số ít đã di chuyển vào TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương). Ngoài ra, còn cư trú ở một số tỉnh dọc biên giới Việt - Lào như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Kon Tum, Thừa Thiên Huế… và ở một số tỉnh biên giới Việt – Trung như Hà Giang, Lai Châu, Quảng Ninh.

Trải qua nhiều năm cư trú, làm ăn, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, nghề nghiệp của họ chủ yếu là làm ruộng, làm rẫy, làm thợ, ít hơn là kinh doanh, buôn bán nhỏ. Đến nay hầu hết số cư dân ấy đã thực sự hoà nhập vào cộng đồng xã hội Việt Nam về mọi mặt đời sống từ lao động sản xuất, sinh hoạt, học tập đến hôn nhân, việc làm…

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, những người này cũng như các con, cháu của họ không có bất cứ một giấy tờ gì để chứng minh quốc tịch. Do vậy, họ cũng không thể đăng ký hộ tịch, không được cấp CMND, hộ khẩu, hộ chiếu, giấy tờ đăng ký tài sản.... Thực trạng đó không những làm cho cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn mà còn làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong việc quản lý dân cư tại địa phương, nhất là khu vực dọc biên giới. 

Vì vậy, có thể nói Điều 22 thể hiện rõ quan điểm tiến bộ và chính sách nhất quán của Nhà nước ta về hạn chế tình trạng không quốc tịch, đồng thời cũng thể hiện mối liên hệ với Điều 8 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam tạo điều kiện cho trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam đều có quốc tịch và những người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này”.

Được hưởng quyền và làm nghĩa vụ công dân

Sau khi Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 có hiệu lực thi hành, việc nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định Điều 22 được triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ và thực sự có hiệu quả.

Thống kê sơ bộ kết quả gần đây nhất của Bộ Tư pháp cho biết, hiện có tổng số 1.786 người đã được Chủ tịch Nước quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam và họ đã được UBND cấp tỉnh phối hợp với cơ quan hữu quan của địa phương làm thủ tục trao bản sao Quyết định của Chủ tịch Nước.

Ngoài ra, các địa phương cũng tiến hành rà soát và báo cáo Bộ Tư pháp về số người đủ điều được nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 22 (song địa phương chưa gửi hồ sơ về Bộ Tư pháp), số người không quốc tịch cư trú dưới 20 năm, số người không quốc tịch nhưng chưa phân loại. (không kể 801 hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam do tỉnh Kon Tum tiếp nhận)

Với Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, khoảng 2.000 người đã trở thành công dân Việt Nam và đây là cơ sở để họ làm tiếp các thủ tục giấy tờ khác như khai sinh, kết hôn, hộ khẩu, CMND, hộ chiếu, chứng nhận quyền sở hữu, đăng ký tài sản; có đầy đủ tư cách để làm nghĩa vụ công dân của họ đối với Nhà nước CHXHCN Việt Nam và hưởng các quyền công dân, đặc biệt là trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vào cuối tháng 5/2011 vừa qua.

Đặc biệt, bà con rất hoan nghênh quá trình giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch thuộc đối tượng quy định tại Điều 22 vì trình tự, thủ tục đơn giản và miễn lệ phí cho họ, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Bà con ngày càng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, vào chính quyền và cán bộ cơ sở, góp phần ổn định tình hình, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn và trên cả nước.

Đẩy nhanh tiến độ

Tuy nhiên, so với Kế hoạch triển khai thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì việc giải quyết nhập quốc tịch cho những người không quốc tịch theo Điều 22 còn chậm. Bộ Tư pháp cũng đã thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình, trong đó có việc chưa kịp thời xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch năm 2008 ngay sau thời điểm Luật có hiệu lực để các địa phương áp dụng. Nhưng vấn đề quan trọng hơn cả là phải có được các biện pháp tiếp tục giải quyết việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho họ.

Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định, thời hạn giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam cho những người không quốc tịch theo Điều 22 của Luật là 3 năm. Như vậy, thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam là đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2012. Hết thời hạn này mà những người thuộc Điều 22 của Luật không nộp hồ sơ thì việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ (nếu có nguyện vọng) sẽ được giải quyết theo quy định tại các điều 19, 20 và 21 Luật Quốc tịch Việt Nam, tức là theo thủ tục nhập quốc tịch thông thường cho người nước ngoài và người không quốc tịch.

Việc rà soát, lập danh sách, làm thủ tục nhập quốc tịch cho những người thuộc đối tượng quy định tại Điều 22 của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Do vậy, các địa phương cần chủ động đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc này.

Để kịp thời gian nêu trên, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) Trần Thất nhấn mạnh: Đến hết ngày 30/6/2012, các địa phương phải cơ bản hoàn tất việc thống kê, phân loại, lập danh sách, hoàn chỉnh hồ sơ, có văn bản đề xuất kèm theo hồ sơ của những người đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo diện Điều 22 gửi Bộ Tư pháp để làm thủ tục trình Chủ tịch Nước xem xét, quyết định.

Ông Thất lưu ý, trong quá trình rà soát, xác định và lập danh sách những người không quốc tịch thuộc Điều 22 phải thống nhất nhận thức về đối tượng này bởi phần lớn họ không thể tự mình chứng minh hoặc xác định được tình trạng quốc tịch của bản thân.

Song để được xem xét nhập quốc tịch Việt Nam theo Điều 22 thì những người không quốc tịch nêu trên phải có thời gian cư trú trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày 01/7/2009. Những người không quốc tịch cư trú trên lãnh thổ Việt Nam mà chưa đủ 20 năm thì không thuộc đối tượng Điều 22.

Về phía Bộ Tư pháp, một trong những giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Điều 22 của Luật được Bộ đưa ra là sẽ chỉ đạo triển khai “điểm” tại một số tỉnh có nhiều người thuộc Điều 22 như tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Kon Tum, An Giang. Nếu cần thiết, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức Nhóm công tác phối hợp đến các địa phương trên gồm Vụ Hành chính tư pháp, Cục trợ giúp pháp lý, Đoàn thanh niên.... tham gia hỗ trợ địa phương trong việc rà soát, lập danh sách, hỗ trợ bà con khai hồ sơ...

* Có trường hợp người dân tự khai là có quốc tịch nước ngoài nhưng thực chất họ không có bất cứ loại giấy tờ hoặc căn cứ pháp lý nào để chứng minh quốc tịch nước ngoài của họ. Có trường hợp xét về mặt huyết thống là người có nguồn gốc Việt Nam hoặc nguồn gốc nước ngoài hoặc pha trộn giữa huyết thống Việt Nam và huyết thống nước ngoài nhưng do di cư qua nhiều đời từ nước này sang nước khác, không được nhìn nhận có quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước ngoài nên hiện tại họ bị rơi vào tình trạng không quốc tịch… Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp thì tất cả những người này đều được coi là người không quốc tịch.

* Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Ngoại giao khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc cơ quan ngoại vụ tại các tỉnh, TP trực thuộc TƯ chủ động, tích cực phối hợp với Sở Tư pháp trong quá trình triển khai Kế hoạch giải quyết nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch theo Điều 22; đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an chỉ đạo thường xuyên, đôn đốc Cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp rà soát, thống kê, khẩn trương xác minh nhân thân để sớm hoàn thiện hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam của đối tượng theo Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008.

Hoàng Thư

Đọc thêm