Ông Nguyễn Lâm Sáu được xin lỗi sau 33 năm mang thân phận bị can |
Oan sai vì lọ tinh dầu cam
Vào lúc 8h sáng 25/1/2018, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức buổi công khai xin lỗi ông Nguyễn Lâm Sáu (SN 1940, ngụ số nhà 60, đường Võ Văn Kiệt, TP Buôn Ma Thuột), người bị bắt giam oan sai 33 năm về trước vì một lọ tinh dầu cam. Buổi xin lỗi được tổ chức tại trụ sở UBND phường Khánh Xuân.
Theo nội dung vụ việc, vào năm 1977, ông Sáu được điều từ miền Bắc vào làm kĩ sư nông nghiệp tại Nông trường Ea Kao (tỉnh Đắk Lắk). Đến năm 1980, cho rằng cấp trên tham nhũng và làm nhiều chuyện sai trái, ông liền viết đơn tố cáo. Sau đó, Đoàn thanh tra tỉnh vào cuộc, phát hiện một số sai phạm của lãnh đạo nông trường như: “Công tác quản lý đất đai, quản lý xe máy, vườn cây…có nhiều sai phạm. Tự thu, tự chi, lập chứng từ khống…” (Báo cáo số 79/BC ngày 5/6/1985 của Ủy ban thanh tra tỉnh Đắk Lắk về đơn tố cáo của ông Nguyễn Lâm Sáu). Tuy nhiên, việc xử lý những người vi phạm, bị tố cáo chưa được tiến hành thì vợ chồng ông Sáu đã bị buộc thôi việc (không lý do) và chịu nhiều cực khổ trong cuộc sống.
Đúng 12h5 ngày 14/11/1985, Phòng An ninh Kinh tế - Văn hóa (Công an tỉnh Đắk Lắk) tiến hành đọc lệnh khám xét nhà ông Sáu. Sau khi kiểm tra, công an phát hiện trong nhà ông chứa “65 ml dầu cam (đã hư)” và thực hiện lệnh bắt ông Sáu ngay lúc đó.
Trong Biên bản bắt, khám xét số 8/LD ngày 14/11/1985 Của công an tỉnh Đắk Lắk ghi rõ nghề nghiệp của ông Sáu là “buôn bán”, can tội “buôn bán hàng trái phép”. Sau đó ông Sáu bị nhốt trong tù tổng cộng chín ngày rồi được thả tự do.
Khi được tha về, ông Sáu chỉ có “Lệnh tạm tha” của công an tỉnh. Ngoài ra, không có bất kỳ giấy tờ, văn bản nào khác chứng minh ông là người vô tội, bị bắt oan. Bởi vậy, suốt mấy chục năm qua ông vẫn mang thân phận bị can và luôn khiếu kiện, khiếu nại yêu cầu Công an tỉnh Đắk Lắk ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can để làm cơ sở bồi thường thiệt hại cho ông.
Ngày 29/8/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký công văn số 2547 “Về việc xử lý đơn của ông Nguyễn Lâm Sáu”, yêu cầu Chánh thanh tra, Giám đốc công an tỉnh kiểm tra, xem xét những nội dung mà ông Sáu khiếu nại, sớm có văn bản trả lời tỉnh trước ngày 30/9/2006.
Ngày 16/1/2007, đích thân cựu chủ tịch tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư đã thay mặt chính quyền, gửi lời xin lỗi và hứa sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc của ông Sáu trước tết âm lịch (Đinh Hợi). Thế nhưng, vụ việc của ông Sáu cứ kéo dài mãi, không được giải quyết thỏa đáng.
Ngày 10/7/2008, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4519/VPCP-KNTN, “yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẩn trương kiểm tra, xem xét, giải quyết dứt điểm nội dung khiếu nại của ông Nguyễn Lâm Sáu theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9/2008”. Dù vậy, mãi tới ngày 28/11/2013, ông Sáu mới nhận được Quyết định số 384/QĐ-GQKN của Công an tỉnh Đắk Lắk về việc giải quyết khiếu nại lần đầu.
Quyết định 384 thừa nhận: “Việc tạm giữ đối với ông Nguyễn Lâm Sáu quá hạn bảy ngày (từ 18/11 đến 24/11/1985), đồng thời việc sử dụng sai biểu mẫu Biên bản bắt, khám xét và Lệnh tạm tha…đã ảnh hưởng về mặt vật chất và tinh thần đối với ông Sáu. ..Trách nhiệm trên thuộc về ông Bùi Văn Nhị, nguyên Trưởng phòng An ninh Kinh tế - Văn hóa (nay đã nghỉ hưu) và ông Bùi Văn Cường…Hai ông có tên nói trên có trách nhiệm cùng Phòng An ninh Kinh tế - Văn hóa (Công an tỉnh Đắk Lắk) thỏa thuận bồi thường thiệt hại đối với ông Sáu”.
Ông Bùi Văn Nhị nhận lỗi về các vi phạm của mình |
Được xin lỗi sau 33 năm
Sau bao nhiêu năm vất vả ngược xuôi gửi đơn đến các cơ quan chức năng để đòi công lý, cuối cùng ông Sáu cũng đạt được nguyện vọng. Theo đó, Công an tỉnh đã thu thập đầy đủ nội dung vụ việc và quyết định tổ chức xin lỗi công khai tại trụ sở UBND phường, nơi ông Sáu cư ngụ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, theo hồ sơ, chứng cứ thu thập được thì vào thời điểm tháng 11/1985, tinh dầu cam và bột axit chanh là các loại nguyên liệu sản xuất thuộc danh mục những hàng hóa Nhà nước độc quyền kinh doanh, cấm tư nhân buôn bán nhưng Nhà nước khuyến khích công dân Việt Nam đi công tác, lao động, học tập ở nước ngoài mua đem về hoặc gửi về nước.
Tháng 11/1985, ông Sáu bị công an bắt khẩn cấp, sau đó tạm giữ để điều tra chứ chưa bị khởi tố, chưa bị tạm giam. Do đó, công an không có cơ sở để ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Tuy nhiên, sau khi ông Sáu được tạm tha, đơn vị điều tra lúc đó đã không tiếp tục điều tra, xác minh, kết luận, giải quyết dứt điểm vụ việc theo quy định.
Cũng theo Đại tá Lực, các ông Bùi Văn Nhị (nguyên Trưởng phòng, trực tiếp chỉ đạo) và ông Bùi Văn Cường (nguyên cán bộ chủ trì thi hành lệnh bắt, khám xét) đã có vi phạm trong hoạt động điều tra. Cụ thể, đã sử dụng tùy tiện và sai biểu mẫu tố tụng hình sự trong hoạt động điều tra. Thực ra, trường hợp ông Sáu không phải là bắt giam nhưng lực lượng chức năng lúc đó lại sử dụng mẫu biên bản khám xét trong trường hợp bắt giam; Khi thay đổi biện pháp ngăn chặn phải sử dụng Quyết định trả tự do nhưng lại sử dụng Lệnh tạm tha dẫn đến những sai sót, ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với ông Sáu.
Đại tá Lực cho biết: “Công an tỉnh rất mong gia đình ông Sáu ghi nhận lời xin lỗi chân thành và phối hợp để thực hiện các nội dung liên quan mà Công an tỉnh và ông đã thống nhất. Công an tỉnh cam kết thực hiện đúng và đầy đủ việc thỏa thuận, bồi thường về vật chất, tinh thần cho ông Sáu theo đúng các quy định của pháp luật do những vi phạm trên đây. Đồng thời sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và quán triệt sâu rộng trong toàn thể cán bộ chiến sĩ”.
Tại buổi xin lỗi, nguyên Trưởng phòng Bùi Văn Nhị gửi lời xin lỗi sâu sắc đến ông Sáu, thừa nhận những sai sót của bản thân, của cán bộ điều tra lúc đó.
Khi lên phát biểu, ông Sáu tỏ ra rất xúc động và gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm, chỉ đạo, giúp bản thân đòi lại công lý. Đồng thời, ông cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các luật sư, các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng mình trong quãng thời gian hơn 30 năm qua.