Vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước
Trong những năm qua, TP.Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, ngày càng khẳng định vai trò là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng của cả nước.
Kinh tế TP luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục. Nếu trước thời kỳ đổi mới, trong 10 năm (1976 - 1985), tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP chỉ tăng bình quân 2,7%/năm, thì trong giai đoạn 1991-2010, TP là một trong rất ít địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hai con số trong suốt 20 năm. Từ năm 2011 đến nay, TP cũng đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước.
GDP bình quân đầu người liên tục tăng nhanh, từ khoảng 700 USD giai đoạn 1995-1996, đến năm 2014 đã đạt mức 5.131 USD. Quy mô kinh tế, tiềm lực và sự đóng góp cho cả nước ngày càng lớn. Đến nay, TP đã đóng góp khoảng 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 1/5 quy mô kinh tế của cả nước; đóng góp 30% trong tổng thu ngân sách quốc gia. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đến năm 2014, tỷ trọng dịch vụ đã chiếm 59,6% trong GDP, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 39,4%, khu vực nông nghiệp chỉ còn 1% và đang phát triển theo hướng hình thành một nền nông nghiệp đô thị sinh thái.
TP đã tập trung vào cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, phát triển các doanh nghiệp nhà nước công ích và xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các khu vực ngoài nhà nước kể cả đầu tư nước ngoài tăng liên tục và ngày càng có tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP và cơ cấu lao động.
Các thành phần kinh tế dân doanh khác (hộ sản xuất kinh doanh công nghiệp, thương mại, dịch vụ) vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế nhiều thành phần trên địa bàn TP. Đây là thành phần kinh tế hoạt động tương đối ổn định ngay cả trong thời kỳ nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.
Thực tiễn sinh động của TP.Hồ Chí Minh đã cho thấy, để ổn định kinh tế vĩ mô, không nhất thiết phải có nhiều doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động thật sự có hiệu quả và Nhà nước sử dụng đồng thời nhiều công cụ để điều tiết thị trường; đồng thời cũng cho thấy sự đa dạng hóa sở hữu và thực hiện quyền tự do kinh doanh của công dân chính là động lực để phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đô thị công nghiệp hóa phát triển bền vững
Thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội của TP trong 40 năm qua và nhất là trong 30 năm đổi mới trước hết là sự nhận thức, quán triệt, tổ chức thực hiện và góp phần bổ sung, hoàn thiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa; gắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quá trình đô thị hóa, giữa quá trình đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, quá trình phát triển TP theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn gắn với quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đã làm cho diện mạo đô thị TP có nhiều thay đổi, phát triển vượt bậc.
TP là địa phương tiên phong của cả nước trong việc triển khai xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp; hình thành Trung tâm giao dịch chứng khoán, phát triển hệ thống ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư phát triển đô thị; xây dựng các chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển mạnh các loại hình thị trường hàng hóa - dịch vụ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ.
Trong đó, TP đã tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hình thành các trục xuyên tâm, trục Bắc - Nam, đường vành đai, các tuyến metro và đường trên cao. Các khu đô thị mới như khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị Tây Bắc,… được đầu tư xây dựng, phát triển hiện đại hài hòa với tổ chức không gian của TP, trở thành những đô thị kiểu mẫu.
Việc nhận thức đúng và làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đã tạo tiền đề để TP phát triển đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, văn hóa - xã hội, cải thiện dân sinh, xây dựng TP ngày càng văn minh, hiện đại, thành đô thị đặc biệt có sức hội tụ và lan tỏa lớn của Vùng và cả nước.
Vì cả nước, cùng cả nước
Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, TP luôn được sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ đặc biệt của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Tháng 9 năm 1982, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết đầu tiên về phát triển TP. Tiếp đó là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18/11/2002 và gần đây nhất là Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.Hồ Chí Minh đến năm 2020.
Với niềm tin sâu sắc vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; với truyền thống năng động, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức của TP mang tên Bác, chúng ta hoàn toàn tin tưởng và cùng phấn đấu xây dựng TP.Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thành phố có vị trí chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng của cả nước, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân cả nước, vững bước tự hào với danh hiệu vẻ vang: TP.Hồ Chí Minh, Thành phố Anh hùng.