Chương trình toàn diện này là một trong số rất ít các khóa tập huấn kỹ năng trọng tài trung cấp và nâng cao dành cho các TTV Việt Nam, trong đó tập trung đặc biệt vào yếu tố đóng vai trò then chốt của thủ tục tố tụng trọng tài – các TTV. Khóa tập huấn sẽ diễn ra trong năm ngày liên tục, từ ngày 29/11 đến ngày 03/12/2023, với sự tham gia của 40 học viên là TTV, thành viên Ban Thư ký VIAC.
Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC chia sẻ, trong suốt 30 năm qua, VIAC luôn nhận thức rõ nhiệm vụ cốt lõi của mình là tổ chức điều phối và giám sát một cách chuyên nghiệp các thủ tục tố tụng trọng tài theo các chuẩn mực quốc tế đồng thời trở thành một điểm đến đáng tin cậy, mỗi khi doanh nghiệp, nhà đầu tư làm ăn kinh doanh tại Việt Nam cần tới một phương thức giải quyết tranh chấp thân thiện, bí mật, tiện lợi và hiệu quả.
“Vượt xa hơn cả một tổ chức trọng tài, VIAC còn luôn nỗ lực thúc đẩy các phương thức trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs) tại Việt Nam, thúc đẩy sự hình thành của cộng đồng hành nghề trọng tài và ADRs, đưa trọng tài và ADRs trở thành các cơ chế bảo đảm thực thi hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp vào lý tưởng đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn thương mại và đầu tư quốc tế. ..”- ông Dương phát biểu
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC Vũ Ánh Dương |
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kỹ năng và chuyên môn của các TTV, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường đang phát triển.
“Như một câu nói kinh điển trong trọng tài quốc tế “Chất lượng của thủ tục trọng tài chính là chất lượng của TTV”, sự thành công của một vụ kiện trọng tài phụ thuộc đáng kể vào kỹ năng và chuyên môn của TTV, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường phát triển, với ngày càng nhiều tranh chấp phức tạp và có giá trị cao xuất hiện…”- ông Dương chia sẻ.
Với sự hỗ trợ của USAID, VIAC, khóa tập huấn mang đến cho các TTV một chương trình tập huấn chuyên sâu, bao gồm nhiều chủ đề và khía cạnh khác nhau của trọng tài quốc tế.
Đại diện VIAC kỳ vọng hiệu quả của các hỗ trợ từ USAID sẽ tiếp tục được duy trì, góp phần gieo mầm cho sự phát triển chuyên sâu về chuyên môn trong lĩnh vực trọng tài.
Nhiều tình huống thực tế được đưa ra phân tích, mổ xẻ |
Đại diện USAID, Bà Nguyễn Khánh Cẩm Châu, Trưởng nhóm Phát triển Kinh tế, kiêm cố vấn phát triển số, USAID Việt Nam trong phần phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ADR trong bối cảnh hiện nay.
Bà Châu chia sẻ thêm, Việt Nam hiện đang là một trong những thị trường phát triển và hấp dẫn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là đối tác quan trọng trong lĩnh vực thương mại và đầu tư với nhiều nước trong khu vực. Song bên cạnh những cơ hội tiềm năng, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới sau đại dịch COVID và thách thức từ quá trình hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Trước tình hình thị trường toàn cầu luôn biến động, nhiều rủi ro kéo theo sự gia tăng các tranh chấp, nhu cầu nâng cao chất lượng và tính hiệu quả của các cơ chế giải quyết tranh chấp tư trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.