Hội thảo do Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường quốc tế và Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Hội thảo có mục tiêu trao đổi học thuật: Công bố các kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực tâm lý học trường học; phát triển tâm lý học trường học; kết nối, vận động các cơ quan Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ, cơ quan truyền thông, các chuyên gia/các chuyên viên tâm lý, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, giáo viên phổ thông và các bậc cha mẹ trong và ngoài nước trong việc xây dựng, quy hoạch, phát triển ngành, nghề, dịch vụ tâm lý học trường học tại Việt Nam và trên thế giới.
Có khoảng 400 đại biểu tham dự hội thảo, trong đó có 4 chuyên gia tâm lý hàng đầu đến từ Hoa Kỳ, 10 chuyên gia khác đến từ các nước châu Á, 200-300 chuyên gia trong nước…Hội thảo có điểm nhấn quan trọng là các bàn tròn dành riêng cho phụ huynh, sinh viên, báo chí và chuyên gia. Tại đây, mọi người có thể thảo luận trực tiếp với nhau về các nội dung: Những lưu ý của phụ huynh trong vai trò bảo vệ và vận động chính sách cho con em khuyết tật; các trường giới thiệu những chương trình đào tạo tâm lý học đường hiện nay cho sinh viên; các Ban giám hiệu trình bày việc xây dựng phòng tham vấn học đường trong nhà trường… Khảo sát cách học sinh ứng phó với căng thẳng trong kỳ thi chuyển cấp: Áp lực gây căng thẳng tâm lý ở học sinh THCS; Quan hệ giữa điều kiện kinh tế xã hội gia đình và sự căng thẳng của cha mẹ trẻ có nhu cầu đặc biệt…
Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) Bùi Văn Linh, “đối với ngành giáo dục, từ cấp mầm non đến tiểu học, THCS, THPT, công tác tư vấn tâm lý học đường có một vị trí quan trọng. Chúng ta sẽ chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe tinh thần của học sinh khi đảm bảo 100% học sinh phổ thông sẽ được tham gia các chương trình tư vấn tâm lý học đường chất lượng, hiệu quả, bài bản”. Ông Linh đề xuất, các cơ sở đào tạo sư phạm cần kết nối với nhiều chuyên gia tâm lý học đường quốc tế để ngành giáo dục có thể tiếp thu kinh nghiệm hiện đại triển khai công tác này. Tuy nhiên, các chương trình phải Việt hóa cho phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ông Linh cho rằng ngành giáo dục phải có một bộ tài liệu chuẩn về lĩnh vực tâm lý học đường và khi đó những chính sách được đưa ra, các chỉ đạo được đưa ra trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế sẽ tiệm cận được nhanh nhất, gần nhất với các mục tiêu đảm bảo phát triển hài hòa sức khỏe tinh thần và thể chất cho học sinh, đáp ứng phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Bộ GD-ĐT mong muốn các cơ sở đào tạo sư phạm sẽ thường xuyên cập nhật các kiến thức về tâm lý học đường và bổ túc, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cốt cán tại các Sở GD-ĐT, Hiệu trưởng các trường… trong toàn quốc. Các cơ sở đào tạo sư phạm có ngành tâm lý giáo dục cần tham mưu cho các địa phương, cũng như Bộ GD-ĐT để thành lập các trung tâm can thiệp chuyên sâu hướng đến việc giải quyết những trường hợp cá biệt tâm lý nặng của học sinh. Đây là sự thể hiện chăm sóc rất tốt của toàn xã hội đối với phát triển thể chất, phát triển sức khỏe tinh thần của học sinh.
Theo ông Linh, với những ca chuyên sâu, giáo viên tâm lý của các trường không đủ năng lực triển khai. Lúc này nhà trường sẽ làm đầu mối kết nối giữa gia đình và các trung tâm chuyên sâu. Các trung tâm này có thể chủ trì các cơ sở đào tạo sư phạm, có thể hoạt động theo hướng dịch vụ… để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội và làm tốt nhất công tác tư vấn tâm lý cho các trường học cũng như cho người dân.
Cũng tại Hội thảo, Anbooks phối hợp với Liên hiệp Phát triển Tâm Lý Học đường Quốc tế (CASP-I) ra mắt Cẩm nang tâm lý học đường (dành cho giáo viên - phụ huynh - học sinh - sinh viên). Cuốn sách ra đời với mong muốn được hỗ trợ quý phụ huynh, giáo viên cách nhận biết 16 triệu chứng bệnh - hành vi tâm lý học đường thường gặp phải, đồng thời phân tích biểu hiện, nguyên nhân từ đó đưa ra phương pháp khắc phục. Cẩm nang cũng cung cấp những thuật ngữ cơ bản chuyên ngành (song ngữ) để thầy cô và phụ huynh dễ dàng tra cứu, đảm bảo tính chính xác - khoa học. Đây là một tài liệu quan trọng cho ngành tâm lý học đường tại Việt Nam tính đến thời điểm này./.