4.400 người không quốc tịch đã được nhập quốc tịch Việt Nam

(PLO) - Phát biểu tại Hội nghị sơ kết thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 tổ chức chiều qua (25/11), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: công tác quốc tịch (QT) thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người  dân được nâng lên, hệ thống văn bản pháp luật về QT được hoàn thiện.
Đặc biệt, trình tự giải quyết các việc về QT đã được đơn giản hóa, minh bạch, chặt chẽ hơn, đáp ứng yêu cầu của công dân trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho người không QT được nhập QT Việt Nam.
Tạo thuận lợi nhất cho người không quốc tịch được hưởng quyền công dân
Một trong những điểm đáng chú ý sau thời gian triển khai Luật QT Việt Nam, theo Cục trưởng Cục Hộ tịch, QT, chứng thực Nguyễn Công Khanh – Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan chức năng báo cáo Chính phủ, trình Chủ tịch Nước quyết định cho phép 4.414 người không QT được nhập QT Việt Nam theo Điều 22 Luật QT. 
Theo đó, người không QT mặc dù không có giấy tờ về nhân thân, nhưng qua công tác quản lý, theo dõi của cơ quan Công an cho thấy họ đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật QT có hiệu lực (1/7/2009) và chấp hành tốt pháp luật Việt Nam thì được nhập QT Việt Nam theo trình tự, thủ tục đơn giản. 
Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Công Khanh, đến nay đã có 29 tỉnh giải quyết dứt điểm việc nhập QT Việt Nam cho người không QT theo Điều 22. Việc được công nhận là công dân Việt Nam, giúp người không QT có cơ hội được hưởng quyền công dân theo quy định của pháp luật, được làm các thủ tục mà lâu nay họ không thực hiện được (như đăng ký thường trú, cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu…) và đặc biệt được hưởng các quyền gắn với công dân Việt Nam (quyền bầu cử/ứng cử, quyền sở hữu, thừa kế bất động sản…).
Địa bàn đặc thù phải có giải pháp đặc thù
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong công tác QT thời gian qua trên tất cả các mặt trong nhận thức, thực hiện, triển khai, đã đáp ứng yêu cầu của công dân trong và ngoài nước, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng đã được tăng cường… Đáng chú ý, việc triển khai Luật QT đã giải quyết nhiều tồn đọng do lịch sử để lại, tạo điều kiện cho người không QT được nhập QT Việt Nam. 
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác QT như một số quy định của Luật tính khả thi chưa cao, chưa cụ thể, khó khăn cho người dân, nhận thức về vị trí, vai trò của Luật QT trong một bộ phận cán bộ công chức và người dân còn chưa đầy đủ, sự quan tâm của một số lãnh đạo địa phương còn hạn chế…
Thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức ý nghĩa chính trị về QT đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tới đây; đồng thời rà soát các quy định của Luật, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời những quy định bất cập, khó khăn trong thực hiện.
Bộ trưởng cũng lưu ý, cần tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết các việc về QT; chủ động nghiên cứu đề xuất ký kết các điều ước quốc tế song phương và khu vực; chuẩn bị tốt để tổng kết Luật QT, trong đó có Điều 22 và vấn đề  đăng ký việc giữ QT. Cục Hộ tịch cần tổng hợp ý kiến Bộ, ngành, địa phương một cách đầy đủ, khách quan, trên cơ sở đó trình Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa Luật. “Trong đó, địa bàn đặc thù phải có giải pháp đặc thù” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đọc thêm