5 giải pháp thay đổi đời sống người nông dân Việt

(PLO) - “Phải cải thiện và nâng cao đời sống của người nông dân”, Thủ tướng chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016, kế hoạch 5 năm 2016-2020 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vào sáng qua (5/1).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Cao Đức Phát trình bày, năm 2015, trong bối cảnh chịu nhiều tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu và thị trường tiêu thụ song ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức, đối phó kịp thời, có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thời tiết; tích cực triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành trên tất cả các lĩnh vực và đạt được kết quả tích cực trên các mặt công tác. 
Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,41%; giá trị sản xuất (theo giá cố định 2010) tăng 2,62%, trong đó nông nghiệp tăng 2,28%, lâm nghiệp tăng 7,92%, thuỷ sản tăng 3,06%. Bình quân cả giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng đạt 3,13%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra (từ 2,6 - 3%). Thu nhập của người dân nông thôn năm 2015 tăng khoảng 2 lần so với năm 2010. 
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nhiều vùng nông thôn, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống dân cư nông thôn… Hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường; tham gia tích cực đàm phán và tổ chức thực hiện các Hiệp định thương mại và tháo gỡ rào cản, phát triển thị trường. 
“Tổng thể cả giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được mục tiêu duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả khá toàn diện mà ngành NN&PTNT đã đạt được trong năm 2015 và giai đoạn 2011-2015, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, Thủ tướng mong muốn ngành tiếp tục phát huy những thành tích, kết quả đạt được, những kinh nghiệm tốt, các cách làm hay, sáng tạo; đồng thời ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, cải thiện đời sống người dân.
Trên tinh thần này, Thủ tướng đã chỉ ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ và ngành NN&PTNT cần tập trung triển khai thực hiện trong năm 2016 và những năm tiếp theo. 
Thứ nhất là, đặc biệt quan tâm đến cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, luật pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để phát triển mạnh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn, cải thiện đời sống người nông dân. 
Thứ hai là, tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập của người nông dân. Trong tái cơ cấu nông nghiệp, cần đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi đưa khoa học công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; trong tái cơ cấu nông, lâm trường phải lên phương án, đề án cụ thể để tổ chức lại từng nông, lâm trường một, không thể kêu gọi chung chung. 
Thứ ba là, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó đặc biệt quan tâm tập trung vào tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp về đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
Thứ tư là, tập trung chỉ đạo, quản lý tốt vật tư nông nghiệp, gắn với đó là công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; phải thực sự tạo chuyển biến rõ nét đối với công tác này trong năm 2016.
Thứ năm là, phải đặc biệt quan tâm đến việc chủ động xây dựng kế hoạch phòng tránh thiên tai; hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiên tai, thời tiết; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; củng cố và phát triển hệ thống thủy lợi; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.  

Đọc thêm