Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã khai mạc trọng thể sáng 7/12/2015 tại Thủ đô Hà Nội.
Tham dự Đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương.
Cùng dự Đại hội có 1.800 đại biểu chính thức, gồm: 138 đại biểu là Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 167 đại biểu là đại diện tập thể và các cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; 101 đại biểu là “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; 1.394 đại biểu là đại diện các tập thể, cá nhân điển hình xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh…
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015; biểu dương, tôn vinh các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc. Đồng thời, phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Luật Thi đua, khen thưởng.
Từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đến nay, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các chủ trương, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn thiện. Công tác khen thưởng đã động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, suất sắc. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chủ động khen thưởng kịp thời các trường hợp có thành tích đột xuất, người lao động trực tiếp lao động, sản xuất, công tác…
Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; là nơi hội tụ, biểu dương, tôn vinh các anh hùng, chiến sĩ thi đua, gương điển hình tiên tiến, những nhân tố tiêu biểu, xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt chào mừng 1.800 đại biểu là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, chiến sĩ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, vùng, miền, dân tộc, tôn giáo, lực lượng vũ trang được Đại hội thi đua yêu nước các cấp tôn vinh, lựa chọn và đại diện các tổ chức quốc tế, các đoàn ngoại giao, đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài về dự đại hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được phát động và trở thành cao trào hành động cách mạng của quần chúng nhân dân.
Trong 5 năm qua, Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng; Bộ Chính trị đã thông qua Đề án đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và ban hành Chỉ thị số 34 ngày 7/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; chính sách pháp luật về thi đua khen thưởng ngày càng được hoàn thiện, ban hành kịp thời Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng.
“Các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích, kết quả đã đạt được trong suốt 67 năm qua với trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế của các phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng trong giai đoạn 2011-2015 và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.
“Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, chúng ta càng phải đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và 5 năm 2016-2020” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu và nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “cùng nhau đẩy mạnh thi đua yêu nước thì khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh Đại hội lần này là dịp để biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, các anh hùng, chiến sĩ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc, đồng thời Đại hội còn có ý nghĩa quan trọng động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.