“5 rõ” trong thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 6-9/7. Hiện các địa phương rốt ráo chuẩn bị cho kỳ thi.
“5 rõ” trong thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

“5 rõ” trong thanh tra, kiểm tra

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm nay có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2021. PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, trước tình hình dịch COVIDD-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã sẵn sàng cho việc tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp THPT.

Để bảo đảm công bằng cho các thí sinh, Bộ GD&ĐT đã có sự tính toán và trên cơ sở khoa học để xây dựng được đề thi phục vụ cho các đợt thi khác nhau nhưng vẫn bảo đảm sự tương đồng về độ khó, không làm ảnh hưởng đến thí sinh dự thi các đợt thi khác nhau. Các đợt thi đều được tổ chức trong khuôn khổ cùng một quy chế, bảo đảm sự nghiêm túc như nhau.

Theo ông Mai Văn Trinh, công việc rất quan trọng là thực hiện rà soát, phân loại các nhóm học sinh lớp 12 dự thi năm nay thành các nhóm F0, F1, F2 để có các phương thức tổ chức thi phù hợp. Hiện, Ban Chỉ đạo thi các địa phương đã phối hợp với các ban, ngành để có thống kê và lên danh sách về cán bộ, giáo viên, học sinh diện F0, F1, F2… và lên phương án tổ chức thi kịch bản khác nhau, tùy theo diễn biến dịch bệnh để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, chất lượng.

Cụ thể, thí sinh diện F0 không thể dự thi sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp như quy định. Đối với thí sinh F1, F2, như mô hình đã thực hiện năm 2020, các địa phương sẽ thành lập các điểm thi/phòng thi riêng cho thí sinh. Các điểm thi này phải được thực hiện các biện pháp khử khuẩn như sát khuẩn, khử trùng, thực hiện chế độ “5K”, trang bị các dung dịch khử khuẩn, xà phòng rửa tay, các máy đo thân nhiệt…, cán bộ, giáo viên tham gia công tác thi cho thí sinh F1 mặc quần áo bảo hộ để chống lây nhiễm chéo…

Chia sẻ về công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm nay, theo Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường, năm nay là năm thứ hai Chính phủ giao phân cấp trách nhiệm toàn diện trên địa bàn cho UBND cấp tỉnh, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chung, đảm bảo kỳ thi được triển khai an toàn, nghiêm túc, khách quan, trung thực.

Với tinh thần chủ động, phát huy các mặt tích cực và khắc phục các hạn chế của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm nay được triển khai theo hướng ổn định, kế thừa và có sự điều chỉnh cho phù hợp, đặc biệt trong tình hình đại dịch diễn ra rất phức tạp.

Công tác thanh tra, kiểm tra năm nay tiếp tục phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ, Sở GD&ĐT, UBND các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học và tiếp tục theo hướng “5 rõ”: rõ nhiệm vụ, rõ thẩm quyền, rõ mục tiêu, rõ cách thức và rõ trách nhiệm. Việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện tất cả các khâu của kỳ thi nhưng tránh chồng chéo và đúng quy định của pháp luật.

Không để có “điểm mờ”, “khoảng trống”

Điểm mới của công tác thanh tra năm nay là hình thức và phương pháp thanh tra, kiểm tra có sự thay đổi. Năm ngoái các sở GD&ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả bốn khâu của kỳ thi gồm chuẩn bị thi, tổ chức thi, coi thi, chấm thi; Bộ GD&ĐT tổ chức kiểm tra ba khâu, thanh tra khâu chấm thi trong suốt thời gian chấm.

Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi, ngay cả việc chấm thi sẽ tổ chức đoàn kiểm tra suốt thời gian chấm thi. Bộ GD&ĐT cũng sẽ kết hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất tất cả các khâu của kỳ thi. Đặc biệt, khi có yếu tố, dấu hiệu bất thường, sẽ tổ chức thanh tra đột xuất đến tất cả các địa phương với các khâu có vấn đề.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, điểm mới của thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm nay là có hai Thanh tra Chính phủ tham gia. Trong đó, 1 người tham gia Ban Chỉ đạo thi quốc gia và 1 người tham gia Ban Thư ký.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các sở GD&ĐT chủ động xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của địa phương, bám sát kế hoạch tổ chức kỳ thi của Bộ, chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh, đặc biệt có phương án ứng phó với tình hình dịch COVIDD-19.

Tại 63 tỉnh, thành, Bộ GD&ĐT yêu cầu thành lập 63 đoàn kiểm tra. Mỗi điểm thi có một tổ kiểm tra, mỗi tổ từ 2 người trở lên tùy theo số phòng thi tại điểm thi. Mỗi sở GD&ĐT thành lập một đoàn kiểm tra. Mỗi đoàn có 3 hoặc 4 người, kiểm tra trực tiếp tại một sở GD&ĐT trong suốt thời gian chấm thi…

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng đề nghị các Sở GD&ĐT cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho kỳ thi tại địa bàn và tham mưu cho Ban Chỉ đạo kỳ thi của địa phương để tổ chức thực hiện. “Trong kế hoạch lưu ý phương châm, tất cả các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT đều phải được thanh tra, kiểm tra, không bỏ sót khâu nào, không có điểm mờ, không có điểm trống”, Thứ trưởng nêu rõ.

Đọc thêm