5 xu hướng thay đổi công việc hậu đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mới đây, Microsoft đã công bố Báo cáo Chỉ số Xu hướng Công việc thường niên (Work Trend Index) lần thứ 2 với tiêu đề “Những kỳ vọng lớn cho một mô hình làm việc kết hợp hiệu quả”. Những kết quả từ khảo sát Work Trend Index thường niên năm thứ 2 đã cho thấy một bức tranh khác biệt khi người lao động không còn là những con người bắt buộc phải về nhà để làm việc như ở thời điểm đầu năm 2020 (thời điểm lần đầu tiên dịch Covid-19 xảy ra).

Theo đó, hai năm qua đã thay đổi cơ bản cách chúng ta xác định vai trò của công việc đối với cuộc sống.Nhóm nghiên cứu của hãng nhận định, thách thức phía trước đối với mọi tổ chức là vừa đảm bảo kết quả kinh doanh vừa đáp ứng được những kỳ vọng mới của nhân viên trong một nền kinh tế nhiều biến động.

Và để giúp các nhà lãnh đạo thích nghi với sự chuyển đổi này, Chỉ số xu hướng công việc năm 2022 của Microsoft đã chỉ ra 5 xu hướng thay đổi được rút ra từ một nghiên cứu của bên thứ 3 với sự tham gia của 31.000 người đến từ 31 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Sau đại dịch, có nhiều xu hướng thay đổi trong công việc và lao động. Ảnh minh họa

Sau đại dịch, có nhiều xu hướng thay đổi trong công việc và lao động. Ảnh minh họa

1. Người lao động thay đổi sự ưu tiên

Theo khảo sát của Microsoft, 69% nhân viên tại Việt Nam tham gia cho biết, họ đề cao sức khỏe và phúc lợi của mình cao hơn sự nghiệp so với trước khi xảy ra đại dịch. Đặc biệt, có tới 53% người thuộc thế hệ Z (nhóm nhân khẩu sinh từ năm 1997-2012) và Millennials (nhóm nhân khẩu 26-41 tuổi) tại Việt Nam còn cho biết có khả năng sẽ cân nhắc thay đổi công ty làm việc trong năm tới, tăng 7% so với năm 2021.

Trong khi đó, khảo sát chung cho thấy, 47% người được hỏi nói rằng họ có nhiều khả năng đặt gia đình và cuộc sống cá nhân lên trên công việc hơn so với trước khi xảy ra đại dịch. Ngoài ra, 55% người lao động làm cha mẹ và 56 % phụ nữ nói rằng họ ưu tiên sức khỏe và hạnh phúc hơn công việc so với trước đây. Nhiều người lao động cho biết, họ đã từng nghĩ công việc của mình là một phần bản sắc của bản thân. Tuy nhiên bây giờ họ nghĩ công việc như một thứ cần làm, nhưng không nhất thiết phải là một phần cốt lõi của bản thân.

2. Các nhà quản lý cảm thấy bị mắc kẹt giữa vai trò lãnh đạo và đáp ứng kỳ vọng của nhân viên

Theo khảo sát, 73% các nhà lãnh đạo tại Việt Nam chia sẻ rằng công ty của họ đang có kế hoạch quay trở lại làm việc toàn thời gian tại văn phòng trong năm tới. Đáng chú ý, có tới 55% quản lý tại Việt Nam cho biết đường hướng lãnh đạo tại công ty của họ không đáp ứng được kỳ vọng của nhân viên và 87% nói rằng họ không có đủ tầm ảnh hưởng hoặc nguồn lực để tạo ra sự thay đổi cho nhân viên của mình.

Trong khi đó, theo chuyên gia của Microsoft, việc đáp ứng những kỳ vọng của nhân viên sẽ đòi hỏi sự thay đổi tư duy của người lãnh đạo khi xem xét kinh nghiệm trong hai năm qua. Theo đó, các nhà lãnh đạo giỏi nhất sẽ tạo ra một nền văn hóa bao gồm sự linh hoạt và ưu tiên phúc lợi của nhân viên. Đồng thời, họ hiểu rằng đây là một lợi thế cạnh tranh để xây dựng một tổ chức phát triển mạnh và thúc đẩy tăng trưởng lâu dài.

3. Các nhà lãnh đạo cần tạo cho nhân viên cảm giác muốn đến văn phòng

Theo Microsoft, có khoảng 40% nhân viên đang làm việc theo mô hình kết hợp tại Việt Nam cho biết khó khăn lớn nhất của họ là xác định khi nào và tại sao họ cần phải tới văn phòng. Trong khi đó, chỉ có khoảng 34% các nhà lãnh đạo đã xây dựng các thỏa thuận quy định về những điều này.Ở khảo sát chung, có hơn 1/3 (38%) nhân viên cho biết thách thức lớn nhất của họ là biết khi nào và tại sao phải vào văn phòng.

Tuy nhiên, rất ít công ty (chỉ 28%) đã thiết lập các thỏa thuận nhóm để xác định rõ ràng các tiêu chuẩn mới.Nhóm nghiên cứu của hãng nhận định, khi phần đông thế giới đã chuyển đổi sang mô hình công việc kết hợp, cơ hội lớn nhất cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp là hình dung lại vai trò của văn phòng và tạo ra sự rõ ràng về lý do tại sao, khi nào và tần suất các nhóm nên tập hợp trực tiếp.

4. Làm việc linh hoạt đồng nghĩa với “luôn luôn túc trực”

Có tới 54% người lao động ở Việt Nam được hỏi đều sẵn sàng đồng ý sử dụng các nền tảng số có tính tương tác cao cho các cuộc họp công việc trong năm tới. Microsoft cho biết số lượng người dùng nền tảng Teams để tham gia các các cuộc họp, trò chuyện, làm việc trong ngày cũng như công việc ngoài giờ và cuối tuần đều đã tăng trong hai năm qua. Cụ thể, kể từ tháng 2 năm 2020, người dùng Teams trung bình đã thấy thời gian họp hàng tuần của họ tăng 252% và số lượng cuộc họp hàng tuần đã tăng 153%.

Họ đã tăng thêm thêm 32% cuộc trò chuyện mỗi tuần vào tháng 2/2022 so với tháng 3/2020 và con số này có xu hướng tiếp tục tăng lên. Cũng theo Microsoft, nhìn chung dữ liệu chỉ ra rằng nhân viên đang làm những gì họ có thể để làm cho công việc linh hoạt của riêng mình nhưng để làm cho mô hình công việc linh hoạt trở nên bền vững lâu dài sẽ yêu cầu các tiêu chuẩn nhóm làm việc mới để đề “phòng làm việc” luôn hoạt động.

5. Việc xây dựng lại các mối quan hệ xã hội sẽ thay đổi trong thế giới kết hợp

Với thực tế có tới 77% người lao động tham gia khảo sát đang làm việc kiểu hybrid (làm việc kết hợp) tại Việt Nam cho biết đang cân nhắc chuyển sang làm việc từ xa hoàn toàn trong năm tới – các công ty không thể tiếp tục phụ thuộc vào môi trường văn phòng để xây dựng lại các mối quan hệ xã hội đã mất trong hai năm qua.

Do đó, 46% các nhà lãnh đạo ở Việt Nam cho rằng xây dựng mối quan hệ là thách thức lớn nhất khi cho phép nhân viên làm việc trong một môi trường kết hợp hoặc từ xa. Đáng chú ý, khảo sát cho thấy, trong khi phần lớn nhân viên làm việc kiểu hybrid gần như vẫn duy trì được mối quan hệ trong công việc thì chỉ một nửa số nhân viên làm việc từ xa cho biết họ có mối quan hệ tốt đẹp với nhóm trực tiếp của mình. Thậm chí, có một bộ phận còn cho rằng có mối quan hệ bền chặt ít hơn cả so với những người bên ngoài nhóm.

Trước thực tế này, theo Microsoft, các nhà lãnh đạo không nên coi việc quay trở lại văn phòng là giải pháp duy nhất để xây dựng lại mối quan hệ xã hội mà chúng ta đã mất trong hai năm qua. Theo đó, họ nên ưu tiên thời gian để xây dựng mối quan hệ, vì các nhân viên từ xa và mới gia nhập sẽ cần hỗ trợ thêm.Người quản lý ở đây đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ gắn bó trong nhóm là điểm kết nối để giúp nhân viên mở rộng mạng lưới của mình.

Với kết quả khảo sát này, bà Nguyễn Quỳnh Trâm - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam nhìn nhận: “Chúng ta không thể xóa bỏ trải nghiệm thực tế và những tác động trong hai năm qua, vì khả năng làm việc linh hoạt và phúc lợi đã trở thành những yếu tố tối quan trọng với nhân viên”. Do đó, theo Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam, các tổ chức phải thấu hiểu và đáp ứng những kỳ vọng này thì mới có thể giúp nhân viên và doanh nghiệp đạt được những thành công lâu dài.