5 yếu tố tạo xung lực phát triển cho thị trường bất động sản 2021

(PLVN) - Theo kết quả khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản của Vietnam Report, năm 2021 sẽ có 5  xung lực phát triển mạnh nhất đến thị trường bất động sản.
Hình minh họa
Hình minh họa

Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Bất động sản năm 2021. Cùng với đó, kết quả khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản của Vietnam Report đã chỉ ra top 5 yếu tố tạo xung lực phát triển mạnh nhất đến thị trường bất động sản trong năm 2021.

5 yếu tố bao gồm: Nút thắt trong chính sách bất động sản được gỡ bỏ; Khả năng kiểm soát dịch bệnh; Sức chịu đựng và khả năng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19; Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam; Lãi suất giảm.

Về xung lực nút thắt trong chính sách bất động sản được gỡ bỏ, có thể thấy, năm 2020 thị trường bất động sản bị chững lại. Một là do thủ tục pháp lý, khi có rất nhiều luật chồng chéo, cao điểm nhất là giai đoạn 2019-2020.

Các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan lập pháp cũng nắm được vấn đề này và bước đầu đã có những Thông tư, Nghị định, hướng dẫn giải đáp những thắc mắc, vướng mắc đọng lại từ giai đoạn 2019-2020. Vì thế, năm 2021 sẽ có những thuận lợi hơn về mặt thủ tục pháp lý đối với thị trường bất động sản.

Cụ thể là sự ra đời, bổ sung của Nghị định số 25, Thông tư 21 của Bộ Xây dựng, Nghị quyết 164 giúp tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản; Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 8/2/2021 với nội dung quan trọng về việc giải cứu hàng nghìn dự án có đất xen kẹt được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report thì yếu tố thúc đẩy lớn nhất là chính sách thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Đây được coi là cứu cánh khi mọi thứ bị trì hoãn, việc quyết tâm giải ngân đầu tư công là chính sách mạnh mẽ nhất trong năm 2020 và 2021.

Top 5 yếu tố yếu tố tạo xung lực phát triển mạnh nhất đến thị trường bất động sản năm 2021 (Nguồn: Vietnam Report).

Top 5 yếu tố yếu tố tạo xung lực phát triển mạnh nhất đến thị trường bất động sản năm 2021 (Nguồn: Vietnam Report).

Xung lực thứ hai là khả năng kiểm soát dịch bệnh. Khi Covid-19 xuất hiện, làm giảm sức mua của cả nền kinh tế 2020 nói chung. Không chỉ du lịch, nông sản, thương mại mà kể cả trong ngành bất động sản, sức mua của thị trường hiện cũng giảm sút nhiều. Ngoại trừ những địa phương có diễn biến đặc biệt như TP Hồ Chí Minh dù giá nhà và giá đất tăng nhưng sức mua vẫn tốt, thì ở một số địa phương, bao gồm cả Hà Nội, không phải giá nào cũng bán được.

Hiện tại thế giới đã có vắc xin, nhưng ngay cả Mỹ là nền kinh tế có vắc xin lớn nhất thế giới, vẫn cho rằng dịch bệnh chỉ có thể kiểm soát vào cuối năm 2021 và nền kinh tế của Mỹ có thể trở lại bình thường vào năm 2022. Tại các quốc gia khác, vùng châu Âu cũng như châu Á, tình hình dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng.

Thứ ba, sức chịu đựng và khả năng phục hồi kinh tế. Theo Việt Nam Report, xét về quy luật chung, thị trường có những lúc lên - xuống theo sóng hình sin, mà năm 2020 đã xuống mức rất thấp.

Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi, GDP của Việt Nam trong năm 2020 tăng 2,91%, thấp nhất trong 10 năm vừa qua. Trong vùng châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam là một trong ba quốc gia có tăng trưởng dương, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, và NewZealand.

Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2021 và mức độ tăng trưởng GDP mà Chính phủ mong muốn khoảng 6%. Đây là mức độ tăng trưởng thách thức với nền kinh tế Việt Nam nhưng mang tính khả thi. Với tiền đề kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, thị trường bất động sản cũng sẽ tiếp tục phục hồi khi có những thuận lợi và thời cơ chín muồi.

Xung lực thứ tư, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam, Việt Nam Report cho rằng, dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự cam kết mạnh mẽ về FTA thế hệ mới của Việt Nam và quan trọng hơn là Việt Nam vẫn đảm bảo yêu cầu của dòng vốn FDI khi nằm trong vùng tăng trưởng, kinh tế chính trị, xã hội ổn định.

Do đó, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới bởi lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư bất động sản mới lập đã sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam.

Cùng với xuất khẩu tăng do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đã ký kết, hoạt động du lịch sẽ ấm dần và nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng dần được phép vào Việt Nam, bên cạnh đó là các chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô, chính sách tài chính được điều chỉnh linh hoạt… sẽ góp phần thúc đẩy và tạo lực đẩycho thị trường bất động sản tăng nhiệt.

Xung lực thứ năm đến từ việc lãi suất giảm. Theo nhận định của chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, chính sách lãi suất thấp đã hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Theo đó, khi thị trường vàng có nhiều rủi ro, thị trường ngoại tệ quản lý chặt, không mang lại lãi suất cao, xu thế tất yếu là dòng tiền sẽ đổ vào thị trường chứng khoán một cách mạnh mẽ.

Theo nhận định của chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, chứng khoán nếu tiếp tục tăng mạnh như hiện nay, có thể sẽ dẫn đến tình trạng bong bóng. Thế nhưng nếu tất cả các thủ tục của bất động sản được tháo gỡ, thị trường trở lại mức bình thường và có những điều chỉnh để tạo ra sự phát triển cân bằng hơn cho toàn bộ nền kinh tế. Khi đó, so với kênh đầu tư chứng khoán thì đầu tư bất động sản mang tính ổn định hơn, mặc dù phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng bị tác động rất mạnh bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, lãi suất hạ trong thời gian qua hỗ trợ rất nhiều cho thị trường bất động sản cả về hai phía. Với những nhà kinh doanh, xây dựng bất động sản, họ được vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp, giảm được chi phí vốn và hỗ trợ được tốt trong vấn đề xây dựng công trình bất động sản.

Người mua bất động sản cũng có lợi khi được vay tiền với lãi suất thấp hơn. Khẳng định chính sách lãi suất thấp đã hỗ trợ cho thị trường bất động sản, báo cáo của Vietnam Report cho rằng, chính sách này nên được duy trì, tuy nhiên cần phải có sự cân bằng với kiểm soát lạm phát.

Đọc thêm