Đoàn y, bác sĩ tỉnh Bình Định gồm 25 cán bộ y tế do bác sĩ Đặng Tuấn Hải làm Trưởng đoàn và đoàn cán bộ y tế đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế 37 người do bác sĩ Phan Văn Quý làm Trưởng đoàn.
Đoàn y, bác sĩ tỉnh Bình Định lên đường “chi viện” cho thành phố từ ngày 6/8 và đoàn y, bác sĩ tỉnh Thừa Thiên Huế là từ ngày 10/8.
Phát biểu tại buỗi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc nhất đến đoàn y, bác sĩ chi viện từ tỉnh Bình Định và Thừa Thiên Huế.
“Chúng tôi xin ghi nhận và bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc nhất đối với sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, các chuyên gia đầu ngành, đặc biệt là các địa phương tỉnh bạn như Thừa Thiên Huế, Bình Định, Hải Phòng, Nghệ An và những y, bác sĩ trực tiếp đến Đà Nẵng để "chia lửa" cùng nhân dân thành phố phòng chống, dịch bệnh.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng với sự chung tay, góp sức của Trung ương, các tỉnh thành bạn, các bệnh viện và người dân trên cả nước, tình dịch dịch bệnh trên địa bàn Đà Nẵng cơ bản đã được kiểm soát. Đây là sự thành công không chỉ riêng của thành phố mà là của cả nước, đặc biệt là sự thành công của ngành y tế nước nhà”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
Tại buổi chia tay, bác sĩ Phan Văn Quý, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng đoàn công tác chia sẻ: "Đoàn Thừa Thiên Huế rất vinh dự khi được hỗ trợ cho Đà Nẵng trong giai đoạn khó khăn này. Khoảng thời gian ở đây, các y, bác sĩ của Đoàn đã học tập và chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong công tác khám, điều trị bệnh nhân COVID-19. Chúng tôi rất ấn tượng trước sự đồng lòng giữa chính quyền, ngành y tế cũng như người dân thành phố trong cuộc chiến chống dịch, và thành quả đó được ghi nhận thông qua việc tình hình dịch tại Đà Nẵng đã cơ bản được kiểm soát".
Theo Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, trong thời gian các bệnh viện tuyến trên của Đà Nẵng bị cách ly, gần như nguồn lực ngành y tế lúc đó vô cùng khó khăn khi phải đảm đương cùng lúc nhiều nhiệm vụ song hành như việc xử lý dịch, số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, đặc biệt, là các bệnh nhân nặng
"Đứng trước áp lực thiếu nguồn nhân lực, có thể nói sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời đến từ ngành y tế các tỉnh bạn là vô cùng cần thiết, thể hiện tình đoàn kết, tương thân tương ái “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Đó là tình cảm mà Đà Nẵng luôn ghi nhớ, biết ơn và trân trọng", bà Ngô Thị Kim Yến cho biết.
Người đứng đầu ngành y tế thành phố cũng hy vọng sau khi đại dịch được kiểm soát, Đà Nẵng vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn từ các chuyên gia đầu ngành.