6 dự án Luật được biểu quyết thông qua

Hôm qua (20/11), QH đã biểu quyết thông qua 6 dự án Luật, gồm: Luật Xuất bản (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Dự trữ quốc gia, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và Luật Quản lý thuế.

Hôm qua (20/11), QH đã biểu quyết thông qua 6 dự án Luật, gồm: Luật Xuất bản (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Dự trữ quốc gia, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư và Luật Quản lý thuế.

Chưa cho phép lập nhà xuất bản tư nhân

Để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xuất bản, Luật Xuất bản (sửa đổi) đã mở rộng hợp lý sự tham gia của tư nhân trong các khâu khác nhau của hoạt động xuất bản. Tuy vậy, vì hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, cho nên để bảo đảm điều kiện có thể quản lý, kiểm soát được nội dung văn hóa – tư tưởng của xuất bản phẩm, Luật chưa cho phép tư nhân  thành lập nhà xuất bản.

Như vậy, chỉ các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật được thành lập nhà xuất bản.

Hợp tác xã được cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra thị trường

Ngay khi thảo luận về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), nhiều ĐBQH đề nghị cho phép hợp tác xã được quyền cung cấp sản phẩm, dịch vụ rộng rãi ra thị trường để hợp tác xã phát triển và khẳng định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tiếp thu ý kiến này, UBTVQH nhận thấy, khác với mô hình hợp tác xã kiểu cũ, hợp tác xã kiểu mới hoạt động nhằm mục đích tập trung mang lại lợi ích cho thành viên thông qua việc cam kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm theo nhu cầu của thành viên.

Để đạt mục đích đó, hợp tác xã tự chủ trong hoạt động, có quyền được cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm cho cả đối tượng không phải là thành viên. Tuy nhiên, để hoạt động đúng bản chất, hợp tác xã phải bảo đảm lợi ích cho thành viên lớn hơn so với đối tượng không phải thành viên.

Do vậy, các ĐBQH đã biểu quyết thông qua qui định này của dự thảo  Luật sau khi được chỉnh lý theo hướng hợp tác xã có quyền cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm ra thị trường, nhưng phải bảo đảm hoàn thành cam kết nghĩa vụ đối với thành viên.

Không mua trực tiếp gạo để dự trữ

QH đã tán thành với đề nghị của UBTVQH, khi biểu quyết thông qua dự thảo Luật Điện lực, không bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá bán lẻ điện bình quân vì điện là mặt hàng đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội nên theo quy định của Luật Giá, Nhà nước thực hiện điều tiết giá bán điện bằng việc quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Theo đó, các đơn vị bán lẻ điện có quyền cạnh tranh giá bán lẻ trong khung giá do Nhà nước quy định. Nếu quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá bán lẻ điện bình quân sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường điện lực cạnh tranh và không phù hợp với quy định của Luật giá.

QH cũng biểu quyết thông qua Luật Dữ trữ quốc gia, trong đó tán thành giải trình của UBTVQH về qui định không áp dụng mua trực tiếp rộng rãi đối với mặt hàng gạo, mà chỉ áp dụng mua trực tiếp rộng rãi đối với mặt hàng thóc. Theo đó, việc mua trực tiếp rộng rãi mặt hàng gạo có thể dẫn đến chất lượng không đồng đều, khó khăn trong bảo quản và vận chuyển do thu mua bị phân tán.

Hơn nữa, mua gạo có thể thực hiện thông qua đấu thầu dễ dàng vì có sự tham gia của các DN kinh doanh lương thực với khối lượng hàng hóa lớn. Luật cũng qui định chi tiết việc quy định số lần thông báo, phương tiện thông báo khi mua trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng.

Không thỏa thuận trước về giá tính thuế

Có ĐBQH đề nghị quy định cơ quan quản lý thuế có quyền chủ động áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đối với các DN có dấu hiệu chuyển giá nhưng theo nguyên tắc, áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế và thông lệ quốc tế, cơ chế này chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của người nộp thuế.

Trong quá trình quản lý, trường hợp phát hiện có dấu hiệu chuyển giá thì cơ quan quản lý thuế sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra và nếu phát hiện có hành vi vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, ĐBQH đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế với qui định không cho thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế.

Hương Giang

Đọc thêm