6 Tổng công ty (TCty) được xếp hạng đặc biệt gồm: TCty Điện lực Miền Bắc, TCty Điện lực Miền Nam, TCty Điện lực Miền Trung, TCty Điện lực TP.Hà Nội, TCty Điện lực TP.Hồ Chí Minh, TCty Truyền tải điện quốc gia.
Cả 6 TCty này đều có vốn điều lệ công ty mẹ lớn hơn 1.800 tỷ đồng và đều giữ vai trò trọng yếu trong nền kinh tế đất nước.
Như thế nào là Tổng công ty hạng đặc biệt?
Từ năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã có riêng một quyết định (số 185 ngày 28/3/1996) về doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt. Theo đó, doanh nghiệp được xếp hạng đặc biệt bao gồm các TCty 91, 90 và các doanh nghiệp nhà nước độc lập có vai trò trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân, có vốn pháp định từ 500 tỷ đồng trở lên; chức danh Tổng Giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.
Căn cứ vào các điều kiện quy định trên, Bộ LĐ- TB&XH phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ duyệt danh sách các doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt; hướng dẫn việc chuyển xếp lương và phụ cấp chức vụ của các viên chức quản lý doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt.
Năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2013/NĐ-CP (ngày 14/5/2013) quy định chế độ tiền lương, thù lao đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Cty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong các Cty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Theo đó, hạng Cty được quy định lại như sau: Hạng Tập đoàn kinh tế được áp dụng đối với Cty mẹ của Tập đoàn kinh tế nhà nước. Hạng TCty đặc biệt áp dụng đối với: 1- Cty mẹ chuyển đổi từ TCty, công ty nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng TCty đặc biệt hoặc xếp lương theo hạng TCty đặc biệt; 2 - Cty mẹ trong mô hình Cty mẹ - Cty con do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập đủ các điều kiện: Giữ vai trò trọng yếu trong nền kinh tế, có vốn nhà nước từ 1.000 tỷ đồng trở lên, lợi nhuận từ 100 tỷ đồng trở lên, nộp ngân sách nhà nước từ 100 tỷ đồng trở lên và có từ 10 đơn vị thành viên trở lên.
Ngoài ra, còn hạng Cty I, II, III áp dụng đối với Cty đủ điều kiện theo tiêu chuẩn do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính ban hành và do chủ sở hữu quyết định.
Lương tăng, áp lực tăng
Theo Nghị định 51, viên chức quản lý chuyên trách được xếp lương theo hạng Cty. Theo đó, có 5 mức lương cơ bản đối với từng chức danh chia theo 5 hạng Cty. Chẳng hạn với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Cty chuyên trách thì mức tiền lương tại Tập đoàn, TCty đặc biệt, TCty và tương đương, Cty I, II, III lần lượt sẽ là 36, 33, 31, 27, 25, 22 triệu đồng/tháng. Tương tự, đối với chức danh Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc là 35, 32, 30, 26, 24, 21 triệu đồng/tháng.
Hệ số lương; mức lương cũng khác cách biệt tùy theo các hạng Cty. Ví dụ, đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Cty chuyên trách, hệ số mức lương lần lượt là: 8,80 – 9,10; 8,20 -8,50; 7,78 – 8,12; 6,97 – 7,30; 6,31 – 6,64; 5,65 – 5,98 tùy theo Cty thuộc hạng Tập đoàn, TCty đặc biệt, TCty và tương đương hay Cty I, II, III.
Như vậy, với việc được Thủ tướng Chính phủ cho phép được thăng hạng lên TCty đặc biệt, 6 “ông lớn” của EVN không chỉ tăng thêm vị thế mà còn tăng thu nhập cho bộ máy lãnh đạo. Đáng nói, tiền lương, thù lao của các vị này theo quy định đều hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh, có nghĩa là do chính người mua điện phải trả.
Trong bối cảnh dư luận xét nét với ít nhiều “định kiến” về doanh nghiệp nhà nước độc quyền thì sự thăng hạng lên TCty đặc biệt cũng đòi hòi 6 TCty này phải “đặc biệt” nâng cao chất lượng quản trị để tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất lao động, chuyển từ tư duy ban phát sang phục vụ. Phản ứng của dư luận thời gian qua về một, hai trường hợp ghi sai hóa đơn điện lực trong tổng số hàng triệu khách hàng cho thấy “nhà đèn” đang chịu áp lực “đặc biệt” từ đại chúng.
Một áp lực “đặc biệt” khác mà cả 6 TCty đặc biệt của EVN cũng phải vượt qua là áp lực của diễn biến thời tiết cực đoan và của tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Đơn cử như trong đợt nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, khi nhiệt độ đo được ngoài trời ở Hà Nội vượt qua ngưỡng 40 độ C thì nhiệt độ tại khu vực các máy biến áp (MBA) 500kV trong Trạm biến áp Thường Tín luôn báo ở ngưỡng 44 - 45 độ. Hai MBA 500kV (900MVA + 450MVA) vận hành trong trạng thái quá tải, nhiệt độ trong máy đạt ngưỡng cao đỉnh điểm 106 độ C (mức cảnh báo 100 độ C).
Trên phạm vi cả miền Bắc, thống kê của TCty Điện lực Miền Bắc cho thấy thường xuyên xảy ra quá tải cục bộ ở một số khu vực lưới trung thế, đặc biệt lưới hạ áp quá tải cao, theo báo cáo của các đơn vị, có khoảng trên 1.000 trạm biến áp phân phối đầy và quá tải.
Thực trạng trên đòi hỏi các TCty đặc biệt phải có trách nhiệm đặc biệt.