Giảm mạnh lãi suất biên
Nỗ lực đàm phán, trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp đã xây dựng được với các nhà tài trợ nước ngoài của EVNNPT đã đem lại những kết quả rất xứng đáng.
Mới nhất, các nhà tài trợ chính như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đều cam kết sẽ xem xét tài trợ cho các dự án đấu nối nguồn điện thay vì hoàn toàn từ chối xem xét tài trợ như trước đây với điều kiện xem xét tính tuân thủ các quy định về môi trường và xã hội của ADB đối với các dự án của EVNNPT và của nhà máy điện.
Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cũng cho biết sẽ xem xét tài trợ cả phần xây lắp của các dự án do EVNNPT đề xuất thay cho việc chỉ tài trợ phần mua sắm vật tư thiết bị như các dự án AFD đã từng tài trợ cho EVNNPT trước đây.
Đặc biệt, Ngân hàng BNP Paribas chấp thuận trước mắt cắt giảm 0,05% lãi suất biên từ 1,45% xuống còn 1,4%; trong tương lai sẽ nỗ lực hơn nữa để có thể tiếp tục giảm lãi suất biên ở mức cao hơn. Cả ADB, KfW và AFD đều cam kết sẽ xem xét cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại nhằm tăng cường năng lực cho EVNNPT trong các lĩnh vực kỹ thuật, tài chính và quản lý…
Hình thức cho vay mới với điều kiện “mở”
Đáng chú ý, ADB thông báo sẽ bổ sung thêm hình thức cho vay mới với tên gọi Khoản vay dựa trên kết quả thực hiện (Results Based Lending - RBL). Khoản vay có thể được triển khai ngay từ năm 2015 với các tiêu chí rất mở, thuận lợi và tăng tính chủ động cho EVNNPT.
Theo đó, đối với các dự án không thuộc danh mục nhóm A về môi trường theo quy định của ADB thì có thể đấu thầu theo hình thức cạnh tranh trong nước hoặc quốc tế, quá trình đấu thầu do EVNNPT hoàn toàn chủ động thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu của Việt Nam.
Tuy nhiên, khoản vay sẽ bị ràng buộc chặt chẽ hơn về điều kiện giải ngân so với các khoản vay truyền thống. Công tác giải ngân sẽ dựa trên kết quả thực hiện các chỉ số đã được hai bên thống nhất và ký kết trong hiệp định vay. Trước mắt, trong giai đoạn từ năm 2017 - 2019 ADB sẽ tài trợ khoảng 600 triệu USD cho EVNNPT chia thành hai khoản vay theo hình thức RBL.
Nhà tài trợ này còn cho biết có thể xem xét tài trợ cho EVNNPT lên tới 1,2 tỷ USD cho giai đoạn từ 2016 - 2025 trên cơ sở EVNNPT cung cấp nhu cầu đầu tư tổng thể của toàn giai đoạn, bên cạnh việc triển khai phân kỳ 3 và phân kỳ 4 của khoản vay MFF.
Nguồn vốn “khủng” nhưng không tăng nợ công
Ngoài những con số cụ thể như vậy, một kết quả quan trọng khác là việc AFD thông báo có thể sẽ áp dụng hình thức cho vay trực tiếp không cần bảo lãnh của Chính phủ đối với EVNNPT trong vòng 2 năm nữa. Đây cũng là một hình thức cho vay mới, AFD đã áp dụng đối với một số khoản vay gần đây của EVN.
Đó là hình thức cho vay không cần bảo lãnh của Chính phủ. Hình thức này thực sự hiệu quả và thuận lợi cho cả hai phía: rút ngắn đáng kể các thủ tục, giảm thiểu chi phí do chủ đầu tư không phải trả phí bảo lãnh, được Chính phủ Việt Nam ủng hộ do doanh nghiệp tự vay, tự trả không ảnh hưởng đến nợ công của Chính phủ.
Với nhu cầu đầu tư hàng năm dao động từ 800 triệu đến 1 tỷ USD từ nay đến 2020, EVNNPT phải tìm tài trợ từ nhiều nguồn tài chính khác nhau: vốn vay ODA ưu đãi, vốn vay song phương, vay tín dụng thương mại trong nước….
Do vậy, hình thức cho vay trực tiếp của AFD nếu được áp dụng là rất quý giá, góp phần giúp EVNNPT hoàn thành nhiệm vụ to lớn trong đầu tư lưới điện truyền tải, trong khi vẫn không tạo thêm áp lực đối với chỉ tiêu nợ công.
Câu chuyện chủ động, trực tiếp đàm phán vay vốn với các nhà tài trợ của EVNNPT kể trên có thể là một kinh nghiệm hữu ích đối với nhiều doanh nghiệp. Không những thu xếp đủ vốn cho nhu cầu đầu tư khi nguồn vốn trong nước còn eo hẹp mà còn giúp tiết giảm tối đa chi phí vốn, tối ưu hóa chi phí đầu tư, qua đó giúp giảm giá thành, tiết kiệm cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chỉ cần nhìn vào khoản lãi suất biên 1,4% mà EVNNPT vừa đạt được với AFD, so với lãi suất vay USD lên tới hơn 4% trong nước đã có thể thấy lợi ích lớn như thế nào từ cách làm này. Chưa kể, thời gian vay vốn tại các nhà tài trợ nước ngoài còn có thể kéo dài từ 15 đến 20 năm, giúp giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Riêng như năm ngoái, EVNNPT đã vay được gần 1 tỷ USD từ các nhà tài trợ nước ngoài. Tất nhiên nhà tài trợ họ cũng “trông giỏ bỏ thóc”. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có nội lực vững vàng và phải minh bạch, đáp ứng những chuẩn mực quốc tế về quản trị.