6 tháng đầu năm phát hiện hơn 50.000 ca mắc lao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước phát hiện 51.254 ca bệnh, mới đạt 37,1% chỉ tiêu kế hoạch năm. Để có thể thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao, Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh vào tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở, lực lượng gần người dân nhất, trực tiếp nhất...
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc lao điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Ngọc Nga
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc lao điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Ngọc Nga

Theo báo cáo của Chương trình Chống lao Quốc gia, trong 6 tháng vừa qua Chương trình Chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Hiện 51 trên 63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi.

Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB. Kết thúc chiến dịch nhắn tin ủng hộ Quỹ, chương trình đã tiếp nhận 47.000 tin nhắn, tương đương hơn 943 triệu đồng ủng hộ.

6 tháng đầu năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia phát hiện 51.254 ca bệnh, mới đạt 37,1% chỉ tiêu kế hoạch năm.

Về hoạt động điều trị, dịch COVID-19 qua đi, tỷ lệ điều trị khỏi lao trên toàn quốc đã có dấu hiệu cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đạt được so với thời điểm trước COVID-19. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới chỉ đạt 80,2%, thấp hơn so với năm 2020 là 84,9% và thấp hơn so với chỉ tiêu của WHO (85%). Bên cạnh đó có một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao như Vĩnh Phúc (100%), Bắc Cạn (96%), Phú Yên (93%) và Trà Vinh (99%).

Để có thể thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, năm nay Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam đề cao và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở, lực lượng gần người dân nhất, trực tiếp nhất, hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá mới trong việc phát hiện và điều trị, quản lý bệnh lao trong cộng đồng. Mạng lưới Y tế cơ sở đủ năng lực triển khai hoạt động rộng khắp chính là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao – “kẻ giết người” thầm lặng.

Đọc thêm