Tại Việt Nam, 60% bạo lực gia đình xuất phát từ say rượu, ngộ độc rượu, chiếm gần 22% các loại ngộ độc; 7% bệnh nhân tâm thần xuất phát từ rượu; 40% các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia; ngoài ra còn nhiều hậu quả không lường từ uống rượu bia...
Sáng nay, UB ATGT Quốc gia phối hợp với Hiệp hội ATGT Đường bộ toàn cầu; Tổ chức y tế thế giới và Cục cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu”.
40% các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia |
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội đã đưa ra con số thống kê khá giật mình, có khoảng 350 triệu lít bia được sản xuất/năm. Năm 2006, tỷ lệ bình quân uống bia là 18 lít/người. Đến năm 2010, đã tăng nhanh lên 29 lít/người.
Bên cạnh đó, sản xuất rượu bia ở Việt Nam ngày càng tăng, ước tính 15%/năm với gần 500 cơ sở sản xuất. Sản lượng bia chiếm 2,5 tỷ lít/năm, dự kiến có thể tăng lên 4 tỷ lít vào năm 2015.
Ngoài ra, hội thảo cũng đã công bố các con số, tại Việt Nam, 60% bạo lực gia đình xuất phát từ say rượu, ngộ độc rượu, chiếm gần 22% các loại ngộ độc; 7% bệnh nhân tâm thần xuất phát từ rượu; 40% các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia; ngoài ra còn nhiều hậu quả không lường từ uống rượu bia...
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho biết, hằng năm, ngân sách nhà nước và nhân dân đã đổ vào 1 khoản tiền rất lớn, vượt quá kinh phí đóng góp từ ngành đồ uống có cồn cho việc khắc phục hậu quả do lạm dụng rượu, bia và điều khiển phương tiện giao thông.
Ông Graham Harrison, Quyền trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, uống rượu bia và điều khiển phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT tại Việt Nam. Một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ tử vong do TNGT có nồng độ cồn trong máu cao hơn mức cho phép là 34%.
Hoàng Phan