69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2024): Viết tiếp thành tựu ghép tạng của y học Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với nỗ lực không ngừng nghỉ, ngành Y tế Việt Nam đã đạt nhiều thành công vượt trội trong lĩnh vực ghép tạng, ghi dấu ấn trên bản đồ y khoa thế giới.
Ca ghép phổi cho cô gái 21 tuổi đã thành công. (Nguồn ảnh: thanhnien.vn)
Ca ghép phổi cho cô gái 21 tuổi đã thành công. (Nguồn ảnh: thanhnien.vn)

Kỳ tích đầu năm

Ngày 9/2 (30 Tết) vừa qua, trong thời khắc chuẩn bị chuyển giao năm mới, điều thần kỳ đã xảy ra với cô gái mắc bệnh hiếm gặp khi được hồi sinh sau ca ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Nữ bệnh nhân 21 tuổi (Bắc Kạn) mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ, là một bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Bệnh nhân đã được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2020 và chờ ghép phổi từ nhiều tháng vì 2 lá phổi bị tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao.

Ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ do TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cùng khoảng 80 thầy thuốc và chuyên gia khác thực hiện. Ca ghép đã thành công ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế từ Trung tâm ghép phổi UCSF - một trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ.

Điều đáng chú ý là ca mổ kéo dài 12 giờ nhưng chỉ 14 giờ sau người bệnh đã tỉnh. Trong những ngày đầu tiên của năm Giáp Thìn, cô gái trẻ đã nở nụ cười hạnh phúc khi có thể tự thở những hơi thở đầu tiên bằng hai lá phổi mới. Ngay trong ngày đầu tiên sau ghép phổi, người bệnh đã phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định. Đến ngày thứ 5 sau mổ, bệnh nhân đã đi lại tốt hơn, phổi nở tốt. Các bác sĩ đánh giá liều ức chế miễn dịch đạt được như kỳ vọng. Tình trạng nhiễm khuẩn được kiểm soát hoàn toàn.

Bệnh nhân được ghép 2 lá phổi từ người cho là nam thanh niên 26 tuổi bị chết não do tai nạn giao thông. Hoạt động lấy tạng được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và lập được kỳ tích khi bệnh viện thực hiện thành công một loạt ca lấy - ghép 8 mô tạng từ người cho chết não. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã huy động hơn 150 cán bộ, nhân viên tham gia để lấy - ghép đồng thời các mô tạng, gồm: Tim, phổi, gan, thận, tụy, chi thể, giác mạc.

Hành trình chinh phục đỉnh cao y học

Các ca ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển do đây là kỹ thuật ghép tạng rất khó và chi phí lớn, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các bác sĩ, chuyên gia. Đánh giá thành công từ ca ghép phổi cho cô gái 21 tuổi , Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh đây là thành công và dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực ghép mô tạng, khẳng định trình độ, năng lực của các y, bác sĩ nước nhà trên bản đồ y khoa thế giới.

Với những thành tựu trên, chương trình ghép phổi của nước ta sẽ được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi trên thế giới. Thành công của ca ghép phổi đã viết tiếp thành tựu kỹ thuật ghép tạng của y học Việt Nam. Đây cũng là sự kiện ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ngành Y tế Việt Nam nói chung và ngành ghép tạng Việt Nam nói riêng trên bản đồ y khoa thế giới vào đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).

Nhìn lại hơn 30 năm qua, kể từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992 tại Bệnh viện Quân y 103 đến nay, lịch sử ngành ghép tạng Việt Nam đã liên tục có nhiều dấu mốc như ca ghép gan bệnh nhi đầu tiên, ca ghép gan người lớn đầu tiên, ca ghép tim đầu tiên, ca ghép phổi đầu tiên, ca ghép thận đổi chéo người cho đầu tiên… và nhiều ca ghép quan trọng khác đã được thực hiện thành công.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đến ngày 31/12/2023, tổng số ca ghép tạng tại Việt Nam là 8.302 ca, nhiều nhất là vào năm 2022 (1.004 ca) và năm 2023 (1.002 ca). Hành trình hơn 30 năm cho thấy ngành ghép tạng của nền y học Việt Nam đang ngày càng phát triển, đồng nghĩa với việc nhiều bệnh nhân được kéo dài sự sống, cải thiện sức khoẻ.

Ghép mô tạng là điều kỳ diệu của y học, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mãn, gan, tim, tuỷ, hỏng giác mạc... Đồng thời là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế mỗi nước. Các chuyên gia đánh giá dù công tác ghép tạng của Việt Nam xuất phát sau thế giới 40 năm nhưng lại có tốc độ phát triển vượt bậc và đuổi kịp thế giới.

Những năm qua, các ca ghép tạng thành công, hồi sinh sự sống cho biết bao bệnh nhân như một lời khẳng định tay nghề của các bác sĩ nước nhà đã tiếp cận và chinh phục được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng. Để có thể làm được điều đó là nỗ lực không ngừng nghỉ, cố gắng học hỏi, rèn luyện và nâng cao kỹ thuật, kiến thức của các nhà khoa học, thầy thuốc, phẫu thuật viên với mong muốn mang lại sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân.

Đọc thêm