Hiến tạng - “Hồi sinh” sự sống cho những cuộc đời

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, hành động hiến tạng cứu người đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng người trẻ. Có nhiều trường hợp suy tạng tưởng chừng không còn hy vọng sống, những nguồn tạng nặng trĩu tình người đã níu họ lại với đời.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Giúp chồng thực hiện ước nguyện hiến tạng cứu người

Gần 5 tháng kể từ ngày anh Đặng Trịnh Bộ mất đột ngột, chị Nguyễn Thị Hòa (38 tuổi, Quất Động, Thường Tín, Hà Nội) dù nỗi đau chưa nguôi ngoai, nhưng chị vẫn cảm thấy được an ủi vì biết một phần cơ thể anh vẫn sống tiếp trong bốn người khác.

Nhớ lại ngày đầu mới quen anh, chị Hòa kể, năm 2006, anh quen chị Hòa trong lần người phụ nữ làm giúp việc trên phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm). Khi đó, chị giúp chủ nhà bán những tấm pallet gỗ, gọi xe ba bánh của anh Bộ. Thấy người đàn ông chân tay lành lặn chỉ ngồi trên xe, không phụ giúp nâng pallet, chị thầm trách móc. Thế nhưng, khi anh Bộ bước xuống xe, trông thấy người đàn ông lưng cong gập, chị Hòa mới biết đã hiểu nhầm anh. Quen anh Bộ, chị cũng không giấu hoàn cảnh của mình: mẹ bỏ đi khi con gái mới lên 3, người bố mù lòa phát bệnh thần kinh. 15 tuổi, chị từ quê Sóc Sơn lên thành phố vừa làm giúp việc vừa nhặt ve chai.

Chị Nguyễn Thị Hòa đã hiến tạng chồng "cứu sống" 4 cuộc đời khác. Ảnh: Ngọc Nga

Chị Nguyễn Thị Hòa đã hiến tạng chồng "cứu sống" 4 cuộc đời khác. Ảnh: Ngọc Nga

Thế rồi chẳng biết gặp đúng duyên số, trời thương cho 2 anh chị nên duyên vợ chồng. Hai năm sau, họ xây dựng tổ ấm, chuyển đến sống trong căn nhà vỏn vẹn 9m2 lợp proximang bên ngoài sân nhà bố mẹ anh Bộ. Ước mơ của họ, là ngày nào đó xây được căn nhà nhỏ một tầng như hàng xóm.

Mỗi sáng, anh Bộ chạy xe ba gác chở rau thuê, được 100.000 đồng/chuyến, hôm nào nhiều thì 150.000 đồng. Còn chị Hòa đi xe buýt lên Hà Nội làm giúp việc, nhặt ve chai. Đến chiều, anh gom ve chai, chở vợ về nhà. Khoản thu nhập không mấy dư dả, chỉ đủ chi tiêu qua ngày.

Năm 2011, sau sinh con gái đầu lòng, vợ chồng anh Bộ bàn nhau vun vén, vay mượn thêm, xây căn nhà một tầng. Một năm sau, chị Hòa đón bố đẻ từ bệnh viện tâm thần về phụng dưỡng. Năm 2012, chị và anh đón cậu con trai thứ 2 của gia đình. Những tưởng cuộc sống của anh chị cứ thế êm đềm trôi đi, nào ngờ năm 2022 chị phát hiện mắc ung thư tuyến giáp, giai đoạn một, chuyển sang Bệnh viện Ung bướu Hà Nội điều trị. Tháng 6/2023, chị phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ. Hai tháng sau, chị tiến hành xạ trị bằng liệu pháp uống i-ốt phóng xạ.

Một buổi sáng giữa tháng 8/2023, chị Hòa đang điều trị tại bệnh viện thì nhận tin dữ. Sáng ngày hôm ấy, anh Bộ vẫn đi chở hàng như thường ngày, khi đang ngồi nghỉ ở nhà người quen thì bỗng dưng ngã gục, được đưa đi cấp cứu thì bác sĩ nói bị chẩn đoán xuất huyết não, tim đã ngừng đập.

Gần 5 tháng kể từ ngày chồng đột ngột ra đi, chị Hòa và 2 con vẫn chưa hết đau buồn. Ảnh: Ngọc Nga

Gần 5 tháng kể từ ngày chồng đột ngột ra đi, chị Hòa và 2 con vẫn chưa hết đau buồn. Ảnh: Ngọc Nga

"Khi nghe tin anh Bộ không may bị đột tử, chị Hòa đã thực hiện mong ước của chồng là hiến tạng cứu người. Về hành động này, cá nhân tôi rất bất ngờ và cảm động, người dân thôn Quất Động rất ghi nhận tấm lòng của anh, chị.

Từ khi anh Bộ mất, chính quyền nhận thấy hoàn cảnh chị Hòa khó khăn, lại mắc ung thư, nên muốn tạo điều kiện giúp đỡ. Nhưng khi được đề xuất, chị Hòa đã xin nhường lại cho những người khó khăn hơn. Người dân thôn Quất Động rất ghi nhận tấm lòng của anh, chị", ông Phạm Viết Sáng, Trưởng thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội cho biết.

Cú sốc khiến chị đau đớn, nhưng nhớ tới câu chuyện năm 2009, khi đó, hai vợ chồng chị cùng xem một phóng sự trên ti vi về một cụ bà ở quận Thanh Xuân đăng ký hiến tạng. Anh Bộ có nói nếu sau này có mệnh hệ gì, cũng muốn được hiến tạng cứu người.

Thực hiện tâm nguyện của chồng, người vợ nén đau thương, quyết định chuyển anh lên Bệnh viện Việt Đức để xin được hiến tạng của chồng. Chị Hòa cho biết khi đang điều trị ung thư, xem thông tin người bệnh giai đoạn cuối chờ 3 năm không có tạng để ghép, chị càng vững tâm với quyết định của mình, vì “cho đi là còn mãi”. Từ chữ ký của chị, những con người xa lạ đã có sự sống mới. Các bác sĩ đã lấy tim, thận và lá gan của anh cứu sống 4 người.

“Chồng và tôi đều có mong muốn hiến tạng sau khi mất, vì thế nên khi quyết định hiến tạng chồng, gia đình tôi không có ai phản đối cả”, chị Hòa tâm sự.

Sau buổi phẫu thuật hiến tạng, chị Hòa nhờ bệnh viện lo hậu sự cho chồng, lấy tro cốt về quê nhà an táng. Hơn một tháng sau, chị quay lại bệnh viện hoàn thành nốt các thủ tục, đồng thời đăng ký hiến tạng, trọn vẹn lời hứa với chồng.

Từ ngày chồng mất, chị Hòa trở thành trụ cột chính trong gia đình. Ảnh: Ngọc Nga

Từ ngày chồng mất, chị Hòa trở thành trụ cột chính trong gia đình. Ảnh: Ngọc Nga

Cuộc sống dù khó khăn nhưng vẫn phải vươn lên

Từ ngày chồng mất, chị Hòa trở thành trụ cột chính trong gia đình. Mỗi ngày, chị làm đủ việc, miễn có người thuê mướn, từ giúp việc, nhặt ve chai, lau dọn mộ phần, cấy lúa, phơi thóc...

Khi được trưởng thôn vận động làm đơn xin vào hộ nghèo/hộ cận nghèo, chị Hòa nhất quyết từ chối. Chị nói: “Tôi thấy nhiều người còn vất vả hơn tôi, và giờ xã hội phát triển, phải phấn đấu thoát nghèo, chứ mình xin vào hộ nghèo thế khác nào tự thụt lùi đi”.

Đến nay, sau gần 5 tháng anh Bộ ra đi, dù nỗi buồn vẫn còn đó, nhưng chị Hòa vẫn từng ngày cố gắng để chăm sóc 2 con nhỏ và người bố bệnh tật. “Chồng mất đi cũng là sự mất mát, nhưng bản thân vẫn phải cố gắng vươn lên, bệnh tật thì vẫn phải điều trị theo phác đồ, để bệnh tốt lên. May mắn, bệnh của tôi mới ở giai đoạn đầu, nên giờ định kỳ 3 tháng tôi đi khám theo lịch hẹn của bệnh viện. Tôi cũng mới xin được công việc mới, giờ tôi đi làm quét dọn ở công ty, có thu nhập hàng tháng đều đều nên cũng đỡ hơn trước”, chị Hòa kể.

Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 5h sáng, có khi kết thúc lúc 20h tối. Ảnh: Ngọc Nga

Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 5h sáng, có khi kết thúc lúc 20h tối. Ảnh: Ngọc Nga

Vậy là một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 5h sáng nấu bữa sáng chuẩn bị cho cả gia đình, vệ sinh cá nhân cho bố, 7h15 chị có mặt tại công ty để bắt đầu ngày làm việc, 5h chiều chị kết thúc công việc ở công ty, rồi tranh thủ đi thu ve chai bán đồng nát. Một ngày của chị kéo dài từ 5h sáng đến 20h tối. “Ngày nào tôi cũng đều đều như vậy, buổi tối cũng tranh thủ đi ngủ sớm để có sức khỏe, ngày mai tiếp tục công việc”, chị Hòa chia sẻ.

Cuộc sống gia đình chị dần trở lại quỹ đạo bình thường, năm mới đến, dù không có bóng dáng anh nhưng chị vẫn thầm tự nhủ, anh vẫn luôn hiện hữu đâu đó trên cõi đời này, chỉ cần như vậy chị lại tiếp tục có động lực để làm chỗ dựa cho cả gia đình.

“Năm mới đến, điều tôi mong nhất là cả nhà ai cũng khỏe mạnh, mong bản thân khỏe mạnh đầu tiên để làm chỗ dựa cho bố và 2 con. Phải khỏe mạnh mới đi làm kiếm tiền để lo cho gia đình”, chị Hòa bày tỏ.

Chuẩn bị cành đào đón xuân mới, dù anh không còn bên chị, nhưng chị Hòa vẫn vẫn cảm thấy được an ủi vì biết một phần cơ thể anh vẫn sống tiếp trong bốn người khác. Ảnh: Ngọc Nga

Chuẩn bị cành đào đón xuân mới, dù anh không còn bên chị, nhưng chị Hòa vẫn vẫn cảm thấy được an ủi vì biết một phần cơ thể anh vẫn sống tiếp trong bốn người khác. Ảnh: Ngọc Nga

Theo thống kê, trong một năm, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức có khoảng 300 người tử vong do chấn thương sọ não, đây là con số rất lớn. Một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người khác và một người chết não có thể giúp cải thiện cuộc sống cho 75-100 người khác.

Đọc thêm